Bác sĩ Bệnh viện Phổi Thừa Thiên Huế kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân đang điều trị lao

Ngày 24/3 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới phòng, chống lao, đánh dấu sự kiện ngày này vào năm 1882 khi Tiến sĩ Robert Koch phát hiện ra trực khuẩn lao - nguyên nhân gây ra bệnh lao. Trước Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3 năm nay, WHO cho biết, tổng chi ngân sách toàn cầu cho chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh lao trong năm 2020 giảm xuống còn 5,3 tỷ USD, so với mức 5,8 tỷ USD năm 2019. Con số này cũng thấp hơn 50% so với mục tiêu 13 tỷ USD mỗi năm đề ra vào năm 2022.

Năm nay, chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống lao là “Tập trung nguồn lực, chấm dứt bệnh lao, cứu sống triệu người”. Chủ đề nhấn mạnh về việc đưa ra nhu cầu cấp thiết hiện nay là cần đầu tư, kêu gọi, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao, với mục tiêu cuối cùng là cứu sống hàng triệu người trên thế giới không đáng phải chết vì bệnh lao - căn bệnh vốn có thể phòng ngừa cũng như điều trị khỏi này.

Theo báo cáo năm 2021 của Tổ chức Y tế thế giới, mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác chống lao trong thời gian qua, bệnh lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng chính trên toàn cầu. Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn khả năng tiếp cận các dịch vụ thăm khám, điều trị bệnh lao và đảo ngược nhiều năm tiến bộ trong việc cung cấp các dịch vụ lao thiết yếu và giảm gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu. Các mục tiêu phòng, chống lao toàn cầu đến năm 2020 hầu hết đều chưa đạt được. Tác động rõ ràng nhất là sự sụt giảm đáng kể trên toàn cầu về số lượng bệnh nhân mới được phát hiện và báo cáo, giảm từ 7,1 triệu người năm 2019 xuống 5,8 triệu người năm 2020.

Theo PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia, trên cơ sở chủ đề của thế giới, áp dụng vào tình hình thực tế tại Việt Nam, chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2022 của Việt Nam là “Giảm thiểu tác động của COVID-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao”. “Tại Việt Nam, chấm dứt bệnh lao có nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao", PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.

COVID-19 và lao đều là hai căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Người mắc bệnh lao không tử vong ngay. Bệnh thường kéo dài âm thầm và được phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong, người bệnh đã lây vi khuẩn lao cho rất nhiều người khác.

Tại Thừa Thiên Huế, tỷ lệ phát hiện bệnh lao (năm 2021) là 104/100.000 dân; trong khi mức trung bình toàn quốc là 182/100.000 dân. Trong lộ trình tiến đến chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh triển khai Chiến dịch 2X để phát hiện chủ động ca lao và lao tiềm ẩn trong cộng đồng. 2X là chiến lược mới trong chẩn đoán lao sử dụng X-quang ngực và xét nghiệm Genexpert - một phương pháp chẩn đoán giúp phát hiện vi khuẩn lao. Chiến lược 2X hỗ trợ mạng lưới phòng, chống lao phát hiện sớm, điều trị triệt để ca bệnh và xử lý các nguồn lây của bệnh lao.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN