Các doanh nghiệp trên địa bàn luôn nhận được sự đồng hành từ phía tỉnh

Doanh nghiệp phải làm chủ cuộc chơi

Tại hội thảo bàn về chính sách hỗ trợ DN do Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa tổ chức, TS. Vũ Thành Tự Anh, thành viên Ban Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, nội lực mới là nhân tố có ý nghĩa quyết định trong phục hồi kinh tế, bảo đảm được DN có thể tiếp thu và sử dụng có hiệu quả các nguồn ngoại lực. Kết hợp nội lực với ngoại lực sẽ thành nguồn lực tổng hợp to lớn cho phát triển. Bản thân các DN phải tự vận động, phải nhìn thấy xu thế mới trong lĩnh vực kinh doanh, nhìn thấy những tiềm năng trong đại dịch từ đây đón đầu những cơ hội, tiến tới nắm bắt cơ hội.

Trong 2 năm bùng phát dịch có đến 27 đơn vị lữ hành ngưng hoạt động; 90% cơ sở lưu trú, khách sạn phải đóng cửa, số cơ sở còn lại chỉ hoạt động một cách cầm chừng. Tuy nhiên, bên cạnh những con số ấy vẫn có nhiều DN cùng ngành vẫn có những bước tăng trưởng trong tình hình dịch.

Thay vì bó gối trong phạm vi lĩnh vực kinh doanh thuần túy của DN với hoạt động chuyên biệt trong lĩnh vực du lịch, Công ty Du lịch Đại Bàng bắt tay đa dạng sản phẩm và thị trường, tiếp cận với những lĩnh vực kinh doanh mới như thực phẩm sạch, thực phẩm hỗ trợ sức khỏe… giúp DN tìm được “ánh sáng” cuối đường hầm.

Theo ông Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Công ty du lịch Đại Bàng, đơn vị bắt tay xây dựng mô hình kinh doanh trên nguyên tắc đa dạng hóa cho nên đến thời điểm này, công ty vẫn duy trì hoạt động. Những lĩnh vực kinh doanh khác đang chia lửa khá tốt cho du lịch. Nguồn lao động cũng được đa dạng chuyên môn, khi chuyển sang một công việc mới ở lĩnh vực khác.

Ngay thời điểm này, công ty cũng đã bắt đầu đầu tư xây dựng và chuẩn bị cho ra mắt những sản phẩm du lịch mới để thúc đẩy các lĩnh vực trong chuỗi đầu tư của DN. Thành công lớn nhất của DN trong thời điểm này chính là xác định được sản phẩm chủ lực, thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT), xây dựng số hóa cơ sở dữ liệu khách hàng để “làm mới” mình mỗi ngày.

Chia sẻ của chị Diệu Huyền, chủ DN Mộc Truly Huế, với mặt hàng chủ lực là các sản phẩm quà tặng nên khi du lịch đóng băng, DN cũng đối mặt với nhiều thách thức. Thay vì duy trì hoạt động, cơ sở thu hẹp phạm vi kinh doanh và tập trung nhiều hơn cho việc xây dựng các sản phẩm mới, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm. DN cũng đẩy mạnh xúc tiến đăng ký sản phẩm của đơn vị tham gia các sàn TMĐT trong nước, đồng thời chuẩn hóa sản phẩm để đưa lên sàn TMĐT quốc tế như Amazon, Alibaba… Và ngay trong thời điểm hiện tại, DN đã thực sự lấy lại sức sống và khẳng định đang đủ nội lực để vươn xa.

Nếu các DN lựa chọn các kênh TMĐT là lực đẩy thì những DN lớn cũng tận dụng thế mạnh công nghệ để phát triển theo hướng chú trọng công nghiệp thông minh; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình SXKD; quản lý, giám sát chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác; giảm những khâu trung gian khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế, tìm kiếm những đối tác mới hay chuyển sang những sản phẩm mới.

Con số doanh thu 1.760 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với năm 2020, vượt 23% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu 148 triệu USD, tăng 52% so với năm 2020, đạt 171% kế hoạch năm; lợi nhuận đạt 72 tỷ đồng, đạt 280% kế hoạch năm, nộp ngân sách gần 40 tỷ đồng, gấp đôi năm 2020 của Công ty Dệt may Huế trong năm 2021 phần nào chứng minh nội lực chính là động lực của DN trong phục hồi kinh tế.

Phát huy ngoại lực

"Quan trọng hiện nay là cách hiện thực hóa chính sách để làm sao có nhiều DN được tiếp sức”- Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, ông Dương Tuấn Anh trăn trở. Thời gian gần đây, các chính sách hỗ trợ DN được tỉnh thực thi một cách thiết thực và chạm đúng điểm nghẽn.

Những chính sách hỗ trợ DN chuyển đổi số trong 100 ngày góp phần tăng doanh thu từ 30-50% cho DN trước rào cản của dịch, những cuộc họp, đối thoại với DN được tổ chức liên tục trong năm qua đã phần nào khẳng định năng lực hỗ trợ DN của Thừa Thiên Huế đã được thăng hạng. Cùng với đó là những nỗ lực trong thực hiện rút ngắn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC) mà Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh đã tạo ra những cơ hội trong thực thi các chính sách cũng như tạo môi trường cho DN hoạt động.

Nói như TS. Phan Khoa Cương, Trường đại học Kinh tế Huế, bên cạnh các chính sách tài chính thì môi trường hoạt động, cải cách các TTHC để giúp DN ổn định sản xuất là điều DN cần để phát triển. Đồng thời, khẩn trương ban hành chính sách, làm sao đưa những chính sách sớm đến được với người dân, DN và phải đúng, trúng để thấy ngay được hiệu quả; từ đó khích lệ được nội lực bên trong DN để bứt phá.

Ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT thông tin, tỉnh đang tập trung rà soát, đề nghị cắt bỏ các TTHC không cần thiết, không tạo ra “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của DN và đời sống, sinh hoạt của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra...

Bài, ảnh: Hoàng Loan