Chưa bao giờ các dự án (DA) giao thông được thi công rầm rộ trên địa bàn tỉnh như những năm vừa qua. Hiện tại, nhiều công trình lớn vẫn đang tiếp tục thực hiện. Các DA phát triển đô thị cũng vậy… nên đã đẩy nhu cầu các loại vật liệu xây dựng nói chung và đất san lấp nền nói riêng tăng cao. Chúng ta không thiếu các mỏ vật liệu san lấp, nhưng có vẻ như công tác chuẩn bị để thực hiện các DA chưa tốt, nên rơi vào tình trạng vật liệu san lấp nền thiếu hụt, làm ảnh hưởng đến tiến độ một số DA. Để đáp ứng đất san lấp cho các công trình giao thông, tỉnh đã cấp nhiều mỏ đất và mới đây nhất đã thông báo đấu giá 9 mỏ đất trên địa bàn để các đơn vị trúng thầu cung cấp cho các công trình. Với nguồn cung cấp này, hy vọng đất san lấp nền phục vụ cho việc thi công các công trình sẽ được đáp ứng.

Nhu cầu đất đắp nền dự án đường tây phá Tam Giang hiện nay khá lớn. Ảnh: MINH VĂN

Tuy nhiên, việc một số công trình giao thông ảnh hưởng tiến độ thi công do thiếu hụt đất san lấp nền cũng đưa lại nhiều bài học.

Bài học đầu tiên đó là công tác chuẩn bị. Để thi công một công trình giao thông, đặc biệt là các công trình lớn, các đơn vị thi công phải chuẩn bị nhiều điều kiện, trong đó có điều kiện đất san lấp chứ không thể tách rời việc tìm kiếm DA và các điều kiện chuẩn bị. Các đơn vị thi công cũng phải chuẩn bị việc này và tỉnh cũng phải chuẩn bị. Ngay các DA Trung ương hay các công trình do tỉnh làm chủ đầu tư được thi công trên địa bàn thì tỉnh là đơn vị hưởng lợi. Chính vì vậy, công tác quy hoạch, chuẩn bị mỏ để cung cấp nguyên liệu đất phải được làm một cách chủ động. Trong tương lai, hạ tầng giao thông và việc mở rộng đô thị Huế và các huyện, thị vẫn còn được tiếp tục. Điều này có nghĩa là nhu cầu về đất san lấp không chỉ cần cho các công trình hiện tại mà còn cả cho các công trình tương lai. Nếu không làm tốt công tác khảo sát, quy hoạch, khai thác thì sẽ rơi vào tình trạng bị động. Một khi tiến độ công trình bị chậm trễ, chẳng những ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác mà còn có thể ảnh hưởng đến kinh tế. Có thể chi phí cho công trình sẽ bị đội vốn. Nhìn vào đợt xăng dầu tăng giá mạnh vừa qua chúng ta sẽ thấy rõ điều này. Một xe đất được vận chuyển khi dầu 20.000 đồng/lít sẽ khác với một xe đất vận chuyển với giá dầu 25.000 đồng/lít. Ví dụ như đường Phú Mỹ - Thuận An cần 200.000m3; đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh cần đến hơn 1,9 triệu m3… thì chúng ta sẽ thấy rõ bài toán kinh tế.

Nhiều công trình xây dựng trọng điểm ở địa phương đang lo thiếu đất san lấp nền

Để đảm bảo tốt cho công tác chuẩn bị cung cấp nguyên liệu đất phải làm tốt công tác quy hoạch các công trình giao thông, ít nhất là trong ngắn hạn 10 năm, tức là chúng ta sẽ biết trong 10 năm tới công trình giao thông nào được thi công với nhu cầu sử dụng nguyên liệu đất là bao nhiêu. Trong quy hoạch các mỏ đất, nếu có điều kiện, chúng ta cấp mỏ càng gần công trình thì càng tốt. Khi đó sẽ hạ được giá thành công trình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tiết kiệm được ngân sách.

Cuối cùng là làm tốt sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng của tỉnh và các đơn vị thi công. Các đơn vị thi công công trình cần thông báo cho các ngành có trách nhiệm của tỉnh về nhu cầu, tiến độ cung cấp. Về phía tỉnh chủ động hỗ trợ các đơn vị thi công và giải quyết các vướng mắc (nếu có) một cách kịp thời. Bởi như trên đã nêu, dù các công trình giao thông do Trung ương quản lý hay các công trình do tỉnh làm chủ đầu tư, một khi đã đứng trên địa bàn thì tỉnh được hưởng lợi. Tạo mọi điều kiện tốt giúp các đơn vị thi công công trình cũng là giúp chính mình.

Bài: LÊ NGUYỄN - Ảnh: MINH THƯƠNG