Mỗi sản phẩm làm ra phải đáp ứng được việc cạnh tranh thị trường - đó là yêu cầu của Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động năm 2021 và triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, diễn ra chiều 30/3, tại Hà Nội. Đây không chỉ là yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, mà còn là hướng phát triển của các doanh nghiệp nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động năm 2009. Nhiều năm theo dõi cuộc vận động và tham gia ban chỉ đạo của tỉnh, tôi thấy cuộc vận động ngày càng đi vào cuộc sống. Trước đây, tâm lý sính hàng ngoại ăn sâu vào đời sống. Ngoài yếu tố tâm lý đua đòi của một bộ phận người tiêu dùng thì sòng phẳng mà nói, hàng ngoại hơn hẳn hàng Việt từ chất lượng, mẫu mã đến giá cả có tính cạnh tranh theo kiểu “tiền nào của đó”. Với các nhà sản xuất trong nước, việc chậm đổi mới công nghệ, chủng loại hàng hóa đơn điệu, chất lượng sản phẩm thấp, giá thành chưa tương xứng với chất lượng sản phẩm… khiến người tiêu dùng quay lưng. Trong khi đó, công tác quản lý Nhà nước còn những bất cập, hệ thống phân phối lạc hậu, hàng giả, hàng lậu tràn vào thị trường tác động xấu đến nền sản xuất trong nước, khiến hàng nội khó cạnh tranh được trên thị trường.
Sau hơn 12 năm triển khai cuộc vận động, đến nay năng lực sản xuất của các doanh nghiệp đã có bước phát triển ngoạn mục. Không chỉ là nông sản, thực phẩm, hàng gia dụng mà cả các mặt hàng thiết bị, máy móc, công nghệ được sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ sản xuất, lắp ráp trong nước, đáp ứng cơ bản các nhu cầu của người tiêu dùng và xuất khẩu đi khắp thế giới. Qua quan sát ở các siêu thị, chợ truyền thống, tôi thấy hàng Việt chiếm 80-90% và được người tiêu dùng chọn lựa không chỉ vì lòng yêu nước, mà còn bởi giá cả, chất lượng sản phẩm có sức cạnh tranh và hấp dẫn. Từ chỗ “ưu tiên” đến nay người tiêu dùng có thể “tự hào” lựa chọn mua sắm, sử dụng hàng Việt. Điều này góp phần khơi dậy được nguồn lực và năng lực sản xuất, kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Rõ nhất, nhờ chủ động sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong nước, quý 1 vừa qua, dù tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động, giá xăng dầu tăng cao, nhưng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%.
Trong bối cảnh mở cửa, Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, tạo rất nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức đối với hàng Việt trong sân chơi chung ngày càng lớn hơn. Hàng Việt lúc này không chỉ có mục tiêu chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn tầm ra thế giới, với kim ngạch xuất, nhập khẩu không ngừng tăng. Chỉ riêng quý 1/2022 con số này đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu tăng 12,9%, nhập khẩu tăng 15,9%.
Với thị trường trong nước, các doanh nghiệp cũng phải chịu sự cạnh tranh của hàng hóa các nước tham gia các hiệp định thương mại cùng Việt Nam, với nhiều mặt hàng có thuế suất bằng 0 - tức là không còn bị hạn chế bằng hàng rào thuế quan. Vì vậy, trong giai đoạn mới này, các doanh nghiệp cũng cần phải đổi mới tư duy sản xuất, từ chỗ sản xuất, bán cái mình làm được chuyển sang sản xuất cái người tiêu dùng cần, nhất là phải đáp ứng được việc cạnh tranh thị trường. Mà yếu tố cạnh tranh ở đây không chỉ là sản phẩm tốt, giá cạnh tranh mà cần phải làm tốt cả khâu đăng ký nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm; truy xuất vùng nuôi trồng đối với nông, thủy sản; tổ chức tốt hệ thống bảo quản, phân phối, dịch vụ chăm sóc khách hàng. Nếu làm được điều này, từ chỗ “ưu tiên” người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm sử dụng và có quyền “tự hào” về hàng Việt, góp phần vào việc lan tỏa, nâng tầm hàng Việt ra khắp thế giới.
Hoàng Minh