Xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu nên khi tăng giá sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh

Từ cuối năm 2021 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã có 7 phiên tăng giá liên tiếp. Có thời điểm giá xăng đã vượt ngưỡng 30 nghìn đồng/lít. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Xăng, dầu là mặt hàng chiến lược, cũng là loại vật tư có tầm quan trọng đặc biệt trong nền kinh tế quốc dân. Khi giá xăng, dầu tăng cao kéo theo sự tăng giá của các loại hàng hóa, dịch vụ khác là khó tránh khỏi. Trong giai đoạn hiện nay, người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp đều lo lắng khi giá xăng, dầu đang ở mức cao.

Ông Võ Minh Sự, chủ xe khách thuộc HTX Ô tô Phú Lộc đang hoạt động tại BX phía nam TP. Huế cho rằng, chi phí nhiên liệu xăng, dầu chiếm khoảng 40% giá thành vận tải. Với tình trạng giá xăng, dầu tăng trong khi dịch bệnh còn phức tạp, lượng khách đi lại chưa ổn định làm cho các nhà xe gặp nhiều khó khăn, hoạt động trong tình trạng thua lỗ.

Không riêng ngành vận tải thua lỗ, khi giá xăng dầu tăng, tất cả hàng hóa thiết yếu trên thị trường, như rau xanh, thủy, hải sản, thịt, cá...  đều có xu hướng tăng giá.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, tiểu thương ở chợ Bến Ngự (TP. Huế) cho biết, hầu hết các loại rau xanh đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Nguyên nhân một phần là do giá xăng tăng nên cước vận chuyển cũng tăng theo.

Trước tình hình giá xăng, dầu tăng cao, doanh nghiệp và người dân đều mong chờ những giải pháp điều hành từ cơ quan quản lý Nhà nước. Ở tầm vĩ mô, giảm thuế đối với mặt hàng xăng, dầu được cho là một trong những giải pháp then chốt giúp giảm phần nào áp lực tăng giá nhiên liệu cũng như giảm hiệu ứng dây chuyền đến các mặt hàng khác, nhất trong thời điểm dịch COVID-19 còn phức tạp.

Theo đó, sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự án nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít... được thống nhất kể từ ngày 1/4 đến hết năm 2022.

Đánh giá về giải pháp này, nhiều ý kiến cho rằng đây là động thái tích cực từ cơ quan quản lý Nhà nước để trợ giúp người dân, doanh nghiệp. Nếu không triển khai việc giảm thuế môi trường đối với xăng dầu kịp thời, nhiều doanh nghiệp sẽ không cầm cự nổi.

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh giải pháp xem xét mức giảm thuế bảo vệ môi trường, cơ quan quản lý cần tính đến cả các chính sách thuế khác nữa, dựa trên nguyên tắc vừa có lợi cho doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu, vừa có lợi cho người tiêu dùng và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể để kéo giảm giá xăng dầu trong nước thực sự, cần phải bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng và tiếp tục bỏ luôn thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm này. Bởi ngoài thuế bảo vệ môi trường sau khi được giảm xuống còn 2.000 đồng/lít, giá xăng tại Việt Nam còn chịu thuế nhập khẩu từ 0 - 8%, thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10% và thuế TTĐB 10%. Các chuyên gia này nhận định, giá xăng dầu hiện nay cõng thuế, phí lên gần 40% là quá cao, cần điều chỉnh mức chi phối của thuế phí xuống một nửa so với hiện nay.

Theo Bộ Công thương, một trong những giải pháp bảo đảm ổn định thị trường xăng, dầu khả thi nhất lúc này là sử dụng hợp lý, tiết kiệm, chống lãng phí xăng, dầu. Đối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần quan tâm chỉ tiêu tiêu hao xăng, dầu trong quá trình sản xuất, lưu thông vật tư, nguyên liệu và sản phẩm. Về mặt gián tiếp, việc tiết kiệm tiêu thụ nhiên liệu này sẽ góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên. Hiện nay, Bộ Công  thương đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng, dầu... một cách ổn định.

Bài, ảnh: Song Minh