Xin ông cho biết, những nét mới của quy hoạch lần này?
Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) 2015 và định hướng năm 2020 được HĐND tỉnh thông qua năm 2008. Sau 7 năm triển khai, đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng một số mục tiêu, các định hướng lớn cho việc thực hiện dự án quy hoạch đã không còn phù hợp, cần thiết phải có sự điều chỉnh, bổ sung.
Chúng tôi đưa ra những chỉ tiêu, cụ thể về mạng lưới; trong giai đoạn 2015-2020 sẽ không có sự biến động lớn ngoài việc tách, nhập một số cơ sở cho hợp lý, đồng thời xây dựng những chính sách ưu đãi của tỉnh một cách phù hợp, khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo
Bậc tiểu học được sắp xếp lại, bảo đảm quy mô và khoảng cách đi lại cho học sinh một cách hợp lý, bảo đảm đạt chuẩn theo hướng mỗi xã/phường/thị trấn có không quá 3 điểm. Đến năm 2030, sẽ tăng thêm 15 trường tiểu học, 11 trường THCS và 4 trường THPT. Việc tăng số trường trong kỳ quy hoạch chủ yếu là và tách bộ phận học sinh tiểu học của trường phổ thông có nhiều cấp học, đồng thời ghép một số trường tiểu học ở các xã có nhiều trường tiểu học nhưng mỗi trường có quy mô quá nhỏ và có khoảng cách hai trường trong một xã gần nhau; tách khối THCS ra khỏi trường phổ thông nhiều cấp học có cấp THCS ở những nơi khu dân cư tương đối tập trung để có sự đầu tư đồng bộ. Sẽ thành lập 1 trường THPT phục vụ khu tái định cư giải phóng quốc lộ 1A và khu CN Phú Bài; điều chỉnh vị trí Trường THPT Đặng Trần Côn đến vị trí phường Hương Long để bảo đảm diện tích và khoảng cách đi học cho học sinh trong khu vực. Giai đoạn 2020-2030 sẽ thành lập các trường THPT ở Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và trường THPT theo quy hoạch đô thị mới Vinh Thanh - huyện Phú Vang. Các trường phổ thông dân tộc nội trú tiếp tục được đầu tư mở rộng và đảm bảo cơ sở vật chất và đạt chuẩn quốc gia, chậm nhất là năm 2016… Như vậy, quy hoạch mới đã bám sát tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch vùng kinh tế của tỉnh với tính khả thi cao.
Thưa ông, những chỉ tiêu đề ra trong quy hoạch lần này có quá cao so với khả năng phấn đấu của toàn ngành?
Dựa trên những yêu cầu về đổi mới giáo dục, “Quy hoạch phát triển GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030” cập nhật đầy đủ các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội, GD&ĐT của tỉnh và cả nước. Quy hoạch lần này đảm bảo tính khoa học của phát triển giáo dục dựa trên phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các chỉ tiêu không thoát ra khỏi tình hình chung của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Tính khả thi của quy hoạch mới cơ bản đáp ứng được tốc độ phát triển của giáo dục hiện đại, trước tiên là rất phù hợp với 5 năm tới
Ngành GD&ĐT sẽ tập trung vào tiêu chuẩn nào trong quy hoạch lần này để triển khai?
Những giải pháp được đặt ra là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với việc tổ chức thực hiện quy hoạch. Quy hoạch này có nhiều chỉ tiêu, nhiều điều kiện, nhiều yếu tố nên rất cần có sự đồng thuận cao khi triển khai.
Về phía ngành, việc phát triển đội ngũ ở các cấp học và ngành học sẽ được đặt lên hàng đầu với việc củng cố, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý theo hướng chuẩn hoá, thu hút người giỏi vào ngành sư phạm. Bên cạnh đó, phải đảm bảo các nguồn lực đặc biệt là nguồn lực tài chính cho phát triển; đẩy mạnh các hoạt động liên doanh, liên kết và hợp tác quốc tế trong GD& ĐT theo hướng liên kết với nước ngoài, hình thành các trường quốc tế để tham gia đào tạo cho trong nước và nước ngoài; tạo điều kiện để các nhà đầu tư quốc tế vào đầu tư trực tiếp xây dựng các cơ sở GD&ĐTquốc tế tại địa phương.
Xin cám ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)