Thừa Thiên Huế Online xin trích đăng một phần bài viết “Báo Nhành Lúa – Mũi xung kích trong cuộc vận động dân chủ 1936 – 1939 ở Thừa Thiên Huế” của ThS. Nguyễn Hữu Phúc:

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc đẩy mạnh hoạt động trên lĩnh vực vận động nghị trường và báo chí công khai để phục vụ cho cuộc đấu tranh cách mạng, là hình thức đấu tranh mới trong giai đoạn này.

Từ ngày có cuộc vận động dân chủ, Đảng bộ Tỉnh chủ trương ra báo công khai và dùng báo chí, sách vở để tuyên truyền giáo dục quần chúng nhân dân, phát động mạnh mẽ phong trào dân chủ, vạch trần bộ mặt của bọn phản động, tay sai đang đẩy mạnh hoạt động nhằm chống phá cách mạng. Vì vậy, báo chí cách mạng đã trở thành một công cụ tuyên truyền sắc bén, một bộ phận quan trọng trong cuộc vận động dân chủ những năm 1936-1939 và công cuộc giải phóng dân tộc trong thời kỳ tiếp theo.

Có thể nói rằng, Huế là trung tâm báo chí ở Trung Kỳ và hầu hết cán bộ chủ chốt của Xứ uỷ Trung Kỳ và Tỉnh uỷ Thừa Thiên đều là những nhà báo có năng lực trên diễn đàn báo chí. Theo đó, chủ trương đấu tranh trên diễn đàn báo chí là điều kiện để các đảng viên cộng sản phát huy năng lực, sở trường của mình để phục vụ cuộc đấu tranh của Đảng, thức tỉnh quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, trên mặt trận báo chí cách mạng đã xuất hiện trở lại của những cây bút sắc sảo, trong đó có Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Xuân Lữ, Hải Triều, Phan Đăng Lưu, Lâm Mộng Quang…

Có thể nói, báo chí cách mạng là đội quân đi đầu trong hoạt động tuyên truyền, cổ động các khẩu hiệu cách mạng, đoàn kết toàn dân, giác ngộ lí tưởng cách mạng và vận động quần chúng nhân dân đứng lên thực hiện đấu tranh giải phóng dân tộc. Báo chí đã cổ động nhân dân đòi những quyền tự do dân chủ, như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp,… Nhận thức rõ sức mạnh của báo chí, trong những năm 1936 - 1939, khi điều kiện khách quan có thuận lợi, những người cộng sản ở Thừa Thiên Huế nhanh chóng cho ra đời nhiều tờ báo để phục vụ sự nghiệp cách mạng. Một nét đặc trưng trong giai đoạn 1936-1939 là báo chí cách mạng chiếm lĩnh trận địa công khai, vì trước năm 1936 trở về trước, báo chí cách mạng chỉ được xuất bản bí mật, không hợp pháp, tuyệt đối cấm lưu hành trong nước, nhưng giờ được công khai khắp cả nước.

Chủ trương hoạt động báo chí công khai đã tạo điều kiện cho Phan Đăng Lưu, Nguyễn Xuân Lữ, Hải Triều, Nguyễn Chí Diểu và các đảng viên ở Thừa Thiên Huế phát huy ưu thế về năng lực trên lĩnh vực báo chí, tham gia nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động công khai hợp pháp trong những năm 1936 - 1939. Trong đó, tờ báo Nhành Lúa đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc vận động dân chủ ở Huế và Trung Kỳ.

Sau thời gian gấp rút chuẩn bị các điều kiện, ngày 15/1/1937, tờ báo Nhành Lúa ra đời. Nội dung báo Nhành Lúa tập trung phản ánh đời sống cực khổ của nhân dân, vai trò của báo chí đối với cách mạng, nguyện vọng của nhân dân,… Báo Nhành Lúa do nhà báo Nguyễn Xuân Lữ làm Giám đốc, Hải Triều là Tổng Thư ký Tòa soạn và tòa soạn báo Nhành Lúa đặt tại phố Jules Ferry, in tại Nhà in Đông Tây tại 193 Hàng Bông, Hà Nội. Như vậy, báo được biên tập tại Huế nhưng in lại ở Hà Nội, riêng số 5 (ra ngày 12/2/1937) chỉ có một trang nhỏ như tờ truyền đơn được in tại Huế. Nguyên nhân việc in ấn được thực hiện tại Hà Nội chứ không phải Huế là bởi “chế độ quản lí ở Trung Kỳ nghiêm ngặt hơn nên báo cách mạng ở Trung Kỳ có sự linh động trong việc xuất bản”, cũng vì thế mà báo chỉ ra được 9 số: số 1 ra ngày 15/1/1937, số cuối - số 9 ra ngày 19/3/1937.

Báo Nhành Lúa trong cuộc vận động dân chủ những năm 1936 – 1939 có nhiều vai trò:

Thứ nhất: Tuyên truyền, vận động, định hướng quần chúng đứng lên đấu tranh.

Thứ hai: Đấu tranh đòi tự do dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân.

Thứ ba: Đóng góp tích cực trong phong trào vận động Đông Dương Đại hội.

Thứ tư: Tham gia vào phong trào đón và đưa yêu cầu lên những đại diện của

chính quyền Pháp.

Có thể nói rằng, báo chí cách mạng Trung Kỳ nói chung và ở Thừa Thiên Huế nói riêng ra đời do nhu cầu tất yếu và cấp bách, trở thành một bộ phận không thể tách rời của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Hoà cùng nhịp đập trong phong trào dân chủ 1936 - 1939, những người đảng viên cộng sản và những nhà báo cách mạng ở Thừa Thiên Huế đã phát huy vai trò của mình thông qua tờ tuần báo Nhành Lúa.

Tuy chỉ tồn tại hơn 2 tháng, Nhành Lúa đã đóng góp tích cực trong cao trào vận động dân sinh, dân chủ diễn ra từ năm 1936 – 1939. Với bút lực dồi dào và nội dung phong phú, phản ảnh trên tất cả các lĩnh vực, những bài đăng tải trên báo Nhành Lúa đã làm thức tỉnh, khích lệ tinh thần đấu tranh của quần chúng nhân dân. Có thể nói, thông qua báo Nhành Lúa, những đảng viên cộng sản và nhà báo cách mạng đã thể hiện sự kiên trì lập trường và quan điểm báo chí cách mạng đúng đắn, vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối, sách lược của Đảng trên mặt trận báo chí. Ngoài nhiệm vụ phục vụ cách mạng, báo Nhành Lúa còn là tiếng nói của các Đảng cộng sản và những nhà làm báo cách mạng trong mục tiêu đòi tự do hoạt động báo chí trong một giai đoạn đấu tranh vô cùng sôi nổi, hào hùng của dân tộc Việt Nam.