Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 452 ( huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), tỷ lệ giải ngân đạt 55% kế hoạch vốn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số "điểm nghẽn" cản trở tiến độ các dự án, đòi hỏi chính quyền địa phương phải có cách làm mạnh mẽ hơn để tháo gỡ.

Ngay từ những tháng đầu năm, nhiều địa phương đã khẩn trương lên kế hoạch phân bổ vốn chi tiết và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2022; tập trung đầu tư hoàn thành các công trình chuyển tiếp và triển khai đầu tư các dự án trọng điểm. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022 ước đến hết tháng 2 đạt 8,03% kế hoạch, trong đó, dẫn đầu cả nước là tỉnh Thái Bình với tỷ lệ giải ngân đạt 31,7%, tiếp theo là tỉnh Lai Châu đạt 27,3%.

Gấp rút ngay từ đầu năm

Dự án nâng cấp tỉnh lộ 133 của tỉnh Lai Châu (từ Sang Thàng đi Thèn Sin, Mường So) có ý nghĩa rất lớn đối với người dân các huyện Phong Thổ, Tam Ðường và thành phố Lai Châu. Dự án có tổng mức đầu tư 340 tỷ đồng, được thực hiện trong giai đoạn 2020-2024, khi hoàn thành sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, du lịch của các địa phương, từng bước hoàn thiện hạ tầng mạng lưới giao thông của tỉnh biên giới này. Trong năm 2022 dự án được ghi vốn 159 tỷ đồng, tính đến hết ngày 22/3, đã giải ngân được gần 40% và là một trong những dự án có mức giải ngân cao ở Lai Châu. Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Lai Châu (Ban Quản lý dự án) Hà Văn Phong, để bảo đảm tiến độ giải ngân, đơn vị thường xuyên kiểm tra, đốc thúc các nhà thầu tập trung máy móc, nhân lực làm việc ba ca liên tục.

Ở Lai Châu, mùa mưa kéo dài từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 9, cho nên các đơn vị thi công tranh thủ đẩy nhanh tiến độ trong những tháng đầu năm. Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng cho biết, năm 2022 tỉnh được phân bổ hơn 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Ðến nay tỉnh đã giao các chủ đầu tư gần 1.900 tỷ đồng, kết quả giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt 27,3% kế hoạch giao, tăng 3 điểm % so với cùng kỳ năm 2021, riêng vốn ngân sách trung ương đạt khoảng 30%, tăng 20 điểm % so với cùng kỳ năm 2021.

Trên địa bàn tỉnh Thái Bình, dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 452 nằm trên địa bàn huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) có tổng chiều dài đoạn tuyến 2,824 km, quy mô đường cấp III đồng bằng, tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Tuyến đường hoàn thành sẽ kết nối giao thông giữa Thái Bình với các tỉnh Hà Nam, Hải Dương và quốc lộ 39; đồng thời là tuyến cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống bão lũ, phát triển kinh tế-xã hội cho 16 xã tại huyện Quỳnh Phụ và Hưng Hà. Tính đến ngày 24/3, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại dự án đã đạt khoảng 55% kế hoạch vốn.

Ông Nguyễn Văn Giáp, Chỉ huy trưởng thi công công trình cho biết, thời gian qua, các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên về địa phương, trực tiếp bám nắm, chỉ đạo quyết liệt huyện, xã bằng mọi cách đẩy nhanh việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Nhờ đó, người dân đã đồng thuận bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, ngay sau khi nhận bàn giao mặt bằng sạch tại các đoạn tuyến vướng mắc, đơn vị tập trung huy động máy móc, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành dự án, sớm đưa tuyến đường vào sử dụng. Ngoài dự án nêu trên, các dự án khác đang đạt tiến độ giải ngân khá cao như: Dự án cải tạo, nâng cấp đường cứu hộ, cứu nạn từ đê sông Trà Lý đến đường 219 (huyện Kiến Xương) đạt 37,3% kế hoạch vốn; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ thành phố Thái Bình qua cầu Tịnh Xuyên đến huyện Hưng Hà, tỷ lệ giải ngân đạt 30,5% kế hoạch vốn.

Tại Hà Nội, hầu hết các công trình trọng điểm bảo đảm tiến độ. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng đang bám sát tiến độ thi công và tiến độ giải ngân đã đề ra. Các đơn vị sẽ hoàn thành cơ bản các nhịp cầu dẫn phía Long Biên trong năm 2022, hợp long các nhịp chính trước ngày 30/4/2023 và hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 6/2023. Ban Quản lý dự án đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị thi công ba ca liên tục, nhờ vậy đã khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hay tình hình địa chất phức tạp của lòng sông, hoàn thiện các hạng mục quan trọng.

Nhiều dự án, công trình khác cũng đang được Hà Nội đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, như tám dự án cải tạo, nâng cấp công trình thể dục thể thao phục vụ SEA Games 31 hiện đã thanh toán tới 95% giá trị hợp đồng, dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương, đường Vành đai 2 trên cao… duy trì nhịp độ thi công, phấn đấu hoàn thành công trình theo kế hoạch đặt ra.

Ðể hạn chế tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chủ đầu tư nêu rõ mốc tiến độ đối với các dự án khởi công mới năm 2022, các công trình trọng điểm, chuyển tiếp của năm trước. Năm nay, tỉnh hoàn thành nhiều dự án trọng điểm. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Khánh cho biết, tuyến đường cao tốc Vân Ðồn-Móng Cái có tổng chiều dài gần 80,2 km, quy mô bốn làn xe, tổng vốn đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đoạn Vân Ðồn-Tiên Yên dài hơn 16 km, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, hiện đã hoàn thành gần 90% khối lượng công việc; đoạn Tiên Yên-Móng Cái dài hơn 63 km, được đầu tư theo hình thức BOT, hiện đã hoàn thành gần 80% khối lượng công việc.

Toàn bộ dự án sẽ hoàn thành trong tháng 4/2022, sẽ là tuyến cao tốc ven biển kết nối ba khu kinh tế gồm Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, Khu kinh tế Vân Ðồn và Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái. Sau dự án này, dự án nút giao Ðầm Nhà Mạc hoàn thành trước ngày 31/7, dự án cầu Cửa Lục 3 hoàn thành trước ngày 2/9. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương giải ngân vốn đầu tư công đạt mục tiêu đề ra, yêu cầu đến ngày 30/6 phải giải ngân được 50%, đến 30/9 đạt 80% và đến 31/12 đạt 100% kế hoạch vốn của cả năm 2022.

Tháo gỡ các điểm nghẽn

Mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương những tháng đầu năm 2022 đã có nhiều chuyển biến so với những năm trước, tuy nhiên, vẫn còn một số "điểm nghẽn" cố hữu, nhất là giải phóng mặt bằng. Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, 41 cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã có quyết định thành lập từ giai đoạn 2019-2020, nhưng đến nay chưa khởi công được do khâu thủ tục bị chậm, chưa đủ cơ sở bàn giao đất. Mới đây, thành phố giao lãnh đạo các đơn vị rút ngắn ít nhất 50% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định, các chủ đầu tư chuẩn bị các nguồn lực để khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trong năm 2022.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết, tỉnh đặc biệt chú trọng đến công tác giải phóng mặt bằng, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương trong từng dự án, tập trung vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Ðồng thời, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành trực tiếp làm việc với các đơn vị thi công, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; cho phép thanh toán các khối lượng hoàn thành theo thực tế tiến độ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn, nhất là các dự án giao thông, dự án trong Khu kinh tế Thái Bình. Thái Bình phấn đấu hoàn thành tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt từ 95% trở lên.

Ngoài những khó khăn về giải phóng mặt bằng, thời gian gần đây, giá xăng, dầu, sắt, thép, xi-măng,… tăng cao, gây thêm nhiều khó khăn cho các chủ đầu tư và các nhà thầu. Một số gói thầu không lựa chọn được nhà thầu do giá dự thầu cao hơn dự toán gói thầu được duyệt... làm cho tiến độ thi công các dự án bị chậm lại. Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng cho biết thêm, từ cuối tháng 4 đến hết tháng 9, địa bàn các tỉnh miền núi phía bắc thường có mưa to, lũ lớn, nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công cũng như chất lượng công trình xây dựng, nhất là việc thi công các công trình giao thông. Tỉnh Lai Châu chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng chi tiết tiến độ thực hiện các gói thầu, hạng mục công trình bị tác động mạnh của mưa lũ, yêu cầu tổ công tác về giải ngân vốn đầu tư công tích cực kiểm tra thực địa từng công trình cụ thể có tỷ lệ giải ngân thấp, đưa ra các giải pháp hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo nhandan.vn