Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh vừa công bố ( 29/3), sẽ có một đề tài khoa học về “Nghiên cứu giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ trưởng, phó phòng UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh”.

Thông tin trên cũng cho biết đề tài này sẽ thực hiện 3 chuyên đề: thực trạng năng lực lãnh đạo, quản lý; khung năng lực lãnh đạo, quản lý; và giải pháp phát triển năng lực lãnh đạo quản lý của đội ngũ trưởng, phó phòng UBND cấp huyện.

Khi đọc thông tin này trong tôi gợn lên một câu hỏi: Có cần thiết nghiên cứu điều này với tư cách là một đề tài khoa học cấp tỉnh?

Chúng ta thử lần lượt đi tìm các yếu tố cho câu trả lời.

Các phòng trực thuộc UBND cấp huyện (huyện và thị xã, thành phố) là đơn vị tham mưu và thực hiện các nhiệm vụ chuyên ngành theo sự phân công của UBND huyện. Về bản chất quản lý lãnh đạo từ trước đến nay đã có một đơn vị nào đó được thành lập thì đều đi kèm theo việc giao trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ. Đó là về nhiệm vụ thực hiện. Đồng thời với đó là một bộ khung nhân sự mà thường là có trưởng phòng, phó phòng, nhân viên.

Về công tác nhân sự thì nó không chỉ có liên quan đến sự phân công của chính quyền (ở đây là UBND huyện) mà nó liên quan đến công tác tổ chức nhân sự của Đảng, tức là huyện ủy. Để được giao trách nhiệm trưởng, phó phòng thì người đấy nhất thiết phải nằm trong diện được quy hoạch. Đã quy hoạch rồi thì được đào tạo theo những tiêu chuẩn đã được quy định. Ví dụ như về trình độ là phải qua đại học; trình độ chính trị thì như thế nào, trình độ quản lý Nhà nước ra sao. Có những thời điểm còn đòi hỏi trình độ ngoại ngữ, tin học. Về năng lực thực hành công việc có hiệu quả, có đủ độ tín nhiệm của cấp trên và cấp dưới hay không… Nói chung, để có một trưởng phòng (chẳng hạn) không thể ở “trên trời rơi xuống” mà phải qua nhiều bước về công tác tổ chức nhân sự; năng lực thực hiện công việc phải được chứng minh là tốt. Kèm theo đó là những tố chất có thể nói là khó đo đếm chuẩn xác, lượng hóa được, nhưng cũng có thể nhận biết được theo thời gian: tư cách, phong cách, đạo đức…

Để quản lý đội ngũ trưởng, phó phòng, tất cả hồ sơ đều được lưu ở các ban chức năng của huyện. Sở Nội vụ cũng là đơn vị chuyên ngành được tỉnh giao nhiệm vụ làm điều này.

 Hàng năm, các phòng đều có tổng kết đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ được giao trong năm đó và báo cáo cho cấp trên (ở đây là UBND huyện). Anh nào không thực hiện tốt nhiệm vụ (nếu không vì lý do khách quan chính đáng) thì chủ tịch UBND huyện đã có ý kiến xử lý. Điều này cũng có thể hiểu, đã là trưởng phòng thì anh đã đủ các tiêu chuẩn theo quy định và năng lực thực hành công việc thực tế.

Như trên đã phân tích, đến đây thì chúng ta thấy một điều, muốn biết năng lực thực hành của một trưởng phòng nào đó thì cứ tham khảo: trực tiếp là chủ tịch UBND huyện hoặc tập thể lãnh đạo UBND huyện (tương tự là bên huyện ủy). Muốn biết bức tranh chung về tiêu chuẩn, chất lượng… thì tham khảo hồ sơ từ Sở Nội vụ… Đây là những động tác cực kỳ đơn giản chứ đâu cần đến một đề tài nghiên cứu khoa học để “đánh giá thực trạng năng lực lãnh đạo, quản lý” của cấp trưởng, phó phòng cấp huyện?

Chỉ có một điều, với những đòi hỏi từ nền kinh tế xã hội trong tình hình hiện nay cao hơn trước đây thì đòi hỏi trình độ và năng lực thực hành phải cao hơn trước. Về trình độ thì phải theo quy định. Ở đây chỉ nhấn mạnh đến năng lực thực hành, tức là quản lý điều hành công việc có hiệu quả không. Muốn hiệu quả công việc cao hơn, hiệu suất cao hơn thì đòi hỏi người lãnh đạo quản lý phải năng động, sáng tạo và thậm chí là đột phá và dám chịu trách nhiệm. Những điều này đều được thể hiện qua thực hành công việc. Từ hiệu quả thực hành công việc sẽ tạo ra sự nhìn nhận đánh giá của cấp trên và cả nhân viên cấp dưới, thậm chí là Nhân dân.

NGUYỄN VĂN LÊ