Tham dư cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan.
Tại buổi họp
Tiêu úng phải hiệu quả
Trong những ngày qua (từ ngày 31/3 đến ngày 3/4), do ảnh hưởng của rìa phía bắc hoàn lưu vùng thấp ở phía Nam Trung Bộ kết hợp với không khí lạnh nên tại Thừa Thiên Huế đã xảy ra mưa to, mưa rất to trên diện rộng. Tổng lượng mưa trên toàn tỉnh phổ biến 200-500mm. Một số nơi cao như Nam Đông 806mm, A Lưới 512mm.
Khoảng 20.800 ha diện tích lúa toàn tỉnh bị ngập úng. Trong đó, ước tính diện tích bị ảnh hưởng trên 70% khoảng 17.700 ha, diện tích bị ảnh hưởng từ 30 - 70% là trên 3.000 ha. Diện tích ngập úng các lại cây trồng khác khoảng hơn 2.300ha. Với hơn 2/3 số diện tích lúa toàn tỉnh bị ngập, công tác tiêu úng, thoát nước nhanh nhằm cứu lúa được triển khai trong nhiều ngày nay, nhưng nhiều vấn đề cũng được đặt ra.
Ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh khẳng định, nhiều ngày nay, đơn vị đã phối hợp với các địa phương vận hành công trình thủy lợi, cống qua đê để bảo vệ diện tích lúa đông xuân. Hiện tại, công ty đang huy động máy bơm chạy 24/24 để tập trung tiêu úng cho phần diện tích lúa có thể “cứu” được.
Tuy nhiên, vấn đề là các địa phương phải xác định những diện tích nào có thể vớt vát được để khi triều xuống tiêu úng kịp thời, tập trung máy móc tiêu thoát nước nhanh, chứ không phải vùng nào cũng tiêu úng vì có những khu vực sau khi bơm nước xong cây lúa đã chết thì cũng vô ích, trong khi để tiến hành vụ hè thu thì còn thời gian rất dài.
Nhiều diện tích lúa ở Quảng Điền vẫn còn ngập trong nước
Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, đến thời điểm hiện tại, cây lúa đã ngâm trong nước đến ngày thứ 4. Chỉ còn 1 ngày nữa, nếu những diện tích không tiêu úng kịp xem như bỏ và sau khi nước rút, phải tính đến chuyển cơ cấu thời vụ để triển khai vụ hè thu sớm. Do vậy, hiện nay cần tập trung đối với những diện tích có thể tiêu úng nhanh những diện tích cây lúa bị ảnh hưởng từ 30-70%, nhằm giảm thiệt hại.
Đơn vị đã chỉ đạo các địa phương, huy động tối đa nhân lực, vật lực để gia cố đê bao, khai thác tối đa công suất của các trạm bơm điện, bổ sung thêm máy bơm dầu để tiêu úng thoát nước nhanh những diện tích đang bị ngập, không để ruộng lúa bị ngâm lâu ngày gây thiệt hại lớn do cây lúa đang thời kỳ làm đòng, chuẩn bị trổ và hạn chế tối đa mầm gây bệnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương cần huy động tổng lực, tổ chức tiêu úng thoát nước một cách khoa học (nương theo con triều), nhanh chóng các diện tích lúa, hoa màu còn lại, có thể cứu lúa với tinh thần “còn nước con tát”. Tăng cường bố trí cán bộ phụ trách từng địa bàn, thường xuyên theo dõi tình hình ngập úng và các đối tượng sinh vật gây hại để có biện pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời.
Hồ đập cắt lũ
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đây là đợt mưa có lượng và cường độ lớn, lũ trái mùa, mưa to ở vùng núi kết hợp với vùng đồng bằng đã gây ra đợt lũ trên diện rộng trên sông Ô Lâu (khu vực tỉnh Quảng Trị đã xảy ra đợt lũ lớn), sông Bồ, sông Hương và các sông Nong, Truồi, Bù Lu. Mặt khác, hệ thống đê nội đồng ven sông Bồ, sông Hương và các sông khác có cao trình bờ rất thấp từ +0,5m đến +1,0m; nhiều đoạn đê đã đầu tư quá lâu, xuống cấp nên khi mực nước, dòng chảy trên sông lớn đã tràn qua mặt đê. Tại khu vực hạ du do thủy triều dâng cao +1,04m, các sông, hói bị bồi lắng, gây khó khăn cho việc thoát lũ, làm cho mực nước trên sông dâng cao, xuống chậm gây ngập, tràn bờ vùng, đê bao nội đồng.
Hồ thủy điện Bình Điền chỉ vận hành phát điện và hầu như cắt 100% đỉnh lũ.
Ông Nguyễn Đình Đức khẳng định, đợt mưa lũ bất thường vừa qua cho thấy việc vận hành hồ đập đã góp phần trong việc cắt lũ, giảm ngập cho vùng hạ du. Ông Đức dẫn số liệu cho thấy, trên sông Bồ, tổng lượng nước về hồ Hương Điền 157 triệu m3, tổng lượng nước được điều tiết giữ lại hồ là 110 triệu m3, tổng lượng nước vận hành điều tiết về hạ du là 47 triệu m3, lưu lượng về hồ lớn nhất 2.019 m3/s, lưu lượng vận hành điều tiết về hạ du bắt đầu từ 15h ngày 1/4 đến 1h ngày 2/4 sau đó giảm dần. Qua đó đã góp phần cắt 61% đỉnh lũ.
Ngoài ra, hồ Tả Trạch và hồ Bình Điền chỉ vận hành phát điện và hầu như cắt 100% đỉnh lũ. Cụ thể, tổng lượng nước về hồ Bình Điền 59 triệu m3, tổng lượng nước được điều tiết giữ lại hồ gần 54 triệu, tổng lượng nước vận hành phát điện về hạ du là 5,2 triệu, lưu lượng về hồ lớn nhất là 581m3/s, hồ chỉ vận hành phát điện hầu như cắt 100% đỉnh lũ. Tổng lượng nước về hồ Tả Trạch hơn 93 triệu m3, được điều tiết giữ lại hồ hơn 80 triệu m3, vận hành phát điện về hạ du 13 triệu m3, lưu lượng về hồ lớn nhất 1473m3/s, hồ chỉ vận hành phát điện hầu như cắt 100% đỉnh lũ.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, nhờ vào hệ thống các hồ chứa trên địa bàn tỉnh và công tác vận hành hiệu qua nên đã góp phần cắt lũ cho các địa phương, hạn chế tối đa đỉnh lũ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, thống kê các thiệt hại cũng như đưa ra kế hoạch cụ thể nhằm hỗ trợ lương thực cho những người dân bị thiệt hại trong đợt mưa lớn vừa qua. Trong đó phải thống kê cụ thể bao nhiêu hộ, số người, diện tích hoa màu bị mất để kịp thời hỗ trợ, tuyệt đối không để người dân thiếu đói. Đồng thời chủ động, hỗ trợ giống cây trồng cho người nông dân trong vụ mùa tiếp theo.
Để kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định sản xuất, UBND tỉnh đề xuất Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ tỉnh trước mắt 1.500 tấn giống lúa ngắn ngày và cực ngắn, 15 tấn giống rau và ngô, kinh phí tiêu úng khoảng 7 tỷ đồng. Về lâu dài sớm triển khai đầu tư hồ Ô Lâu Thượng (Phong Điền), hồ chứa Thủy Cam (Phú Lộc), nâng cấp sửa chữa đập Thảo Long, Cửa Lác, hệ thống đê nội đồng ven sông Bồ, sông Hương. Tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống đê ven phá Tam Giang - Cầu Hai theo chương trình nâng cấp đê biển. |
Bài, ảnh: Hà Nguyên