Nhiều gánh hàng rong bày bán ngay khu vực đường 23/8
Nhiều hình ảnh không “đẹp”
Thời gian qua, khi đi qua các điểm du lịch thấy các đoàn khách lần lượt vào tham quan, mới thấy không khí sinh động ngày nào của du lịch Huế đã quay trở lại. Nhưng kèm với sự vui mừng đó, là những hình ảnh chèo kéo, đeo bám khách để bán hàng rong, người ăn xin ở các khu vực Bến xe Nguyễn Hoàng, khu vực cửa Ngăn, đường 23/8 và Đoàn Thị Điểm, chùa Thiên Mụ, các lăng tẩm… lại xuất hiện. Tại các điểm du lịch, nhiều tài xế xích lô không mang đồng phục, đậu đỗ ở những vị trí không đúng quy định để mời chào và bắt khách… Hay cả hình ảnh đeo bám khách ở Đại Nội của những thợ chụp ảnh cũng tạo ấn tượng không đẹp cho du lịch Cố đô.
Có hai vợ chồng du khách đến Huế sử dụng dịch vụ xích lô. Hai bên thống nhất đi tham quan một vòng quanh thành phố là 200 nghìn đồng, nhưng khi về lái xe xích lô đòi 400 nghìn đồng, vì cho rằng ban đầu chỉ nói vòng đi, không tính vòng về. Không dừng ở đó, lái xe xích lô còn nài nỉ thêm tiền “bo”. Biết bị lừa và không muốn đôi co nên hai du khách đành trả tiền.
Hay có nữ du khách đến Huế du lịch phản ánh, du khách thuê một hướng dẫn viên ở một hội nhóm trên mạng xã hội. Suốt hành trình dẫn khách, nhiều câu hỏi đặt ra hướng dẫn này không giải thích được, hoặc giải thích không thuyết phục. Sau đó hỏi hướng dẫn viên mới biết đó chỉ là sinh viên. Điều này khiến chuyến đi du lịch giảm đi sự thú vị.
Thanh tra Sở Du lịch xác nhận, gần đây xuất hiện nhiều hình ảnh không tốt, ảnh hưởng đến môi trường du lịch nói chung. Nhiều hướng dẫn viên không có thẻ hành nghề, sinh viên cũng nhận khách dẫn tour. Nhiều du khách không nắm rõ quy định, khi đến Huế thì lên các nhóm, diễn đàn du lịch để thuê dịch vụ tại các đơn vị, cá nhân không đảm bảo. Theo quy định, nếu du khách thuê những hướng dẫn viên không có thẻ sẽ khó xử lý nếu xảy ra những phát sinh trong việc cung ứng dịch vụ.
Bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh cho biết, sau hai năm dịch vụ thuyền rồng trên sông Hương có hiện tượng xuống cấp cả hình thức, lẫn chất lượng ca Huế. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, giảm chất lượng sản phẩm, thương hiệu của ca Huế trên sông Hương. Cách đây chưa lâu tại Hội An xảy ra chuyện đau lòng về tai nạn vận chuyển đường biển, do đó, ở Huế cũng cần có những đánh giá, kiểm soát và nâng chất lượng dịch vụ kịp thời.
Hội Lữ hành tỉnh thông tin thêm, sau hai năm khó khăn do dịch bệnh, để chuẩn bị phục vụ khách, hội khảo sát hệ thống các nhà cung cấp dịch vụ mới thấy, nhiều cơ sở kiến trúc, hạ tầng đang bị xuống cấp và hao mòn. Khi du lịch quay trở lại việc nâng cấp, phục hồi, làm mới... cần được thực hiện ngay để tránh làm ảnh hướng đến hình ảnh và chất lượng điểm đến.
Sớm chấn chỉnh, nâng chất lượng
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch nhấn mạnh, để chuẩn bị đón khách khi các hoạt động du lịch mở cửa trở lại, ngoài việc kiểm kê lại hệ thống khách sạn, khu lưu trú, Sở Du lịch đã yêu cầu các đơn vị tăng cường chỉnh trang, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện tốt nhất để phục vụ du khách. Kiểm tra thực địa các điểm đến để đánh giá lại chất lượng dịch vụ, yêu cầu các điểm đến có nâng cấp cơ sở vật chất, dịch vụ khi bước vào mùa du lịch hè. Sở Du lịch cũng phối hợp với các đơn vị và doanh nghiệp đào tạo mới và đào tạo lại nghiệp vụ cho nhân viên quay lại làm việc tại các doanh nghiệp.
Đối với nạn chèo kéo, cò mồi ở các điểm du lịch, Sở Du lịch đang phối hợp với lực lượng công an kiểm tra, chấn chỉnh tránh tình trạng lạm dụng thời điểm du lịch đang phục hồi tốt để vi phạm. Trong thời gian đến, liên ngành tiếp tục kiểm tra, tăng cường xử phạt đối vói các trường hợp cố tình vi phạm sau khi đã có sự nhắc nhở; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương để thống kê số lượng bán hàng và quy luật hoạt động của họ để có những kiểm tra, kiểm soát phù hợp. Về lâu dài tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp để những người bán hàng rong, không có công việc ổn định tại những khu vực này có thể chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, đảm bảo cuộc sống.
Lãnh đạo Sở Du lịch nhấn mạnh, với sự phát triển của mạng xã hội giúp việc quảng bá hình ảnh du lịch Huế tốt hơn. Nhưng thời gian qua, khi du khách vào các trang nhờ tư vấn dịch vụ thì nhiều đơn vị, cá nhân lợi dụng để cung ứng dịch vụ không đảm bảo, không đúng quy định. Do đó, đây cũng là lĩnh vực cần phải chấn chỉnh, kiểm soát tốt hơn nữa, hướng đến môi trường kinh doanh lành mạnh, đúng pháp luật.
UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan xử lý nghiêm nạn chèo kéo khách, ăn xin, cò mồi, “sơn tiền”, tình trạng mất trật tự giao thông của xích lô, xe thồ… làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch khi mở cửa du lịch hoàn toàn. Đảm bảo một môi trường du lịch lành mạnh, hướng đến xây dựng hình ảnh du lịch Huế an toàn và thân thiện.
Bài, ảnh: Đức Quang