Thừa Thiên Huế Online xin trích đăng một phần bài viết: “Báo Kinh tế tân văn – Đôi nét về diện mạo và thể loại” của tác giả Đặng Thị Ngọc Phượng:
Một bản sưu tầm trang nhất Báo Kinh tế tân văn được lưu giữ tại Hội Nhà báo tỉnh
Báo do ông Hồ Cát sáng lập, Phạm Bá Nguyên làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, “trực tiếp chỉ đạo và tham gia Ban biên tập có các đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Phan Đăng Lưu, Lâm Mộng Quang...”. Sau số đầu tiên, được gọi là “Số đặc biệt” ra mắt vào ngày 9/1/1937, báo tạm dừng hoạt động vì “vướng mắc về nhân sự và tài chính”, đến số ra ngày 8/4/1937, có tăng cường thêm Nguyễn Xuân Lữ từ báo Nhành lúa (vừa bị đóng cửa) chuyển sang làm quản lý và điều hành tòa soạn. Báo Kinh tế tân văn chỉ ra được 4 số, đến số 3 thì bị đình bản vì lý do “in sai tiêu chí xin phép”.
Kinh tế tân văn có 8 trang (riêng số 1, chỉ có 4 trang), khổ 31 cm x 45cm, trình bày khá đơn giản nhưng hiện đại, mỗi trang chia thành 3 hoặc 4 cột báo, in chạy dọc theo trang báo, chưa in hết bài cuối trang sẽ ghi “tiếp theo trang...”. Ngoài các tin, bài lồng trong các chuyên mục không cố định như Những điều nghe thấy, Những việc đáng làm, Ý kiến chúng tôi, Đời - kinh tế, Sinh hoạt công nông, Thanh niên với xã hội, Bài cậy đăng...,
Về nghị luận, chủ yếu là đăng ở các trang 1 và 2, như là các bài về Thi hành luật xã hội không đúng, anh chị em lao động càng khổ thêm (số 2, ngày 15.4.1937), Viện dân biểu còn đợi gì, không yêu cầu phổ thông đầu phiếu (số 3, ngày 24.4.1937), đáng chú ý là các bài tập trung cho Hội nghị Báo giới Trung kỳ, với các tin sâu phản ánh về thời gian, thành phần, các nghị quyết, chương trình hành động... nhất là Bản báo cáo do bạn Hải Triều thay mặt ủy ban tổ chức đọc tại Hội nghị Báo giới Trung kỳ, trong đó nêu thực trạng của hoạt động báo chí ở Đông Dương được thực thi theo luật báo chí “ở nước Pháp hay ở thuộc địa của nước Pháp đều hướng đến đạo luật về tự do báo chí năm 1881”, mà thực hiện theo sắc lệnh 1889, thực chất là một kiểu “luật rừng” muốn rút giấy phép, phạt tù nhà báo lúc nào cũng được...
Tuy chỉ tồn tại 4 số, nhưng Kinh tế tân văn cũng như Nhành lúa vừa bị đóng cửa và sau này là Sông Hương tục bản và báo Dân, là những cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản ở Huế và Trung kỳ, đều liên tục theo đuổi một định hướng rõ rệt: đó là cuộc đấu tranh đòi tự do ngôn luận, dân chủ, dân sinh, cải thiện hiện tình của đất nước, để đi đến một cuộc cách mạng giải phóng, đem lại độc lập, hòa bình cho đất nước. Điều đó thể hiện rõ nhất ở những tin, bài đăng ở trang nghị luận chính trị - xã hội của tờ báo.
Phần trọng tâm tiếp theo của Kinh tế tân văn là tin trong nước và quốc tế. Đây là tờ báo có đầy đủ tin tức, không chỉ phản ánh được những sự kiện diễn ra ở Huế và miền Trung, mà còn có cả tình hình trong nước, lan rộng ra cả Đông Dương và thế giới, về tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng... mà nóng hổi ở nhiều trang báo, nhiều số báo là tin tức về sự khủng bố, áp bức về chính trị và đời sống cơ cực của dân nghèo. Ở phần văn chương tân văn, chỉ có bài thơ Đừng than nữa của Thanh Tịnh và bài thơ vui Bài chỉ của Con Triết (số 2).
Với văn xuôi, ngoài phóng sự ngắn Tôi đã vào địa ngục (số 3) của M.Q lên án tố cáo chế độ lao tù của thực dân ở các nhà “ngục Biên Hòa, Sài Gòn, Côn Lôn, Tân Đảo, là những nơi tôi đã bị tra tấn, đọa đày, đau khổ”, còn lại có 3 tác phẩm: khi thì ghi là chuyện ngắn, khi thì truyện ngắn hoặc đoản thiên, tùy theo quan niệm của các nhà làm lý thuyết văn chương, nhưng cho đến nay đã trải qua hơn một trăm năm, kể từ khi có sự du nhập của văn chương phương Tây vào nước ta thì các tiêu chí và biên vực giữa ba thể văn này, đều khó có sự phân biệt rạch ròi, minh bạch.
Trong những năm gần đây, Hội Nhà báo tỉnh đã có một việc làm hết sức có ý nghĩa trong việc bảo tồn di sản báo chí cách mạng ở địa phương, khi sưu tầm và cho xuất bản thành sách nguyên vẹn ba tờ báo của tỉnh nhà trong thời Mặt trận dân chủ (1936 - 1939) ở Huế là các báo Dân, Nhành lúa, Kinh tế tân văn, mà người công lớn trong công việc này là nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu - Phó Chủ tịch Thường trực của Hội.
Để kết thúc bài viết nhỏ này, xin được dẫn lời đánh giá khái quát và chuẩn xác của ông về báo Kinh tế tân văn: “Sau nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu, đọc kỹ từng số, từng bài, từng thể loại, chúng tôi cho rằng, trước hoàn cảnh khủng bố của chính quyền Bảo hộ và Nam triều, tuần báo Kinh tế tân văn đã phát huy tối đa sức mạnh của cơ quan ngôn luận, là một trong những ngọn cờ tiêu biểu trên mặt trận báo chí, là vũ khí đấu tranh tư tưởng sắc bén, thể hiện rõ quan điểm của những người cộng sản ở Huế và Trung kỳ. Chỉ trong một thời gian ngắn, Kinh tế tân văn đã tập hợp được một lực lượng hùng hậu, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh cách mạng giai đoạn 1936-1939 của Mặt trận Dân chủ Đông Dương; và cũng là tờ báo cách mạng xuất bản công khai ở Huế có đủ một Ban Biên tập gồm những cựu tù chính trị đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng và những đảng viên trung kiên, giàu bản lĩnh chính trị và lý luận cách mạng. Kinh tế tân văn xứng đáng được đặt ở một vị trí quan trọng trong dòng chảy lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam ở Thừa Thiên Huế”.