Thừa Thiên Huế Online xin trích đăng một phần nội dung về Thơ văn tranh đấu trên tuần báo “Kinh tế Tân văn” trong bài viết “Thơ văn tranh đấu trên hai tờ tuần báo “Nhành lúa” và “Kinh tế tân văn” của nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc:
Bản chụp lại trang 1 với các bài viết và chuyên mục Kinh tế tân văn số 2
Tuy là tuần báo thuần túy kinh tế, nhưng 4 số báo cũng đăng 2 truyện ngắn, một số tiểu phẩm có tính văn học (đoản thiên) và một phóng sự có tính văn học cao “Tôi đã vào địa ngục”. (M.Q)
Các tiểu phẩm trong chuyên mục “Đoản thiên” cũng mang hơi hướng giễu nhại sâu cay. Ví như tiểu phẩm cười “Chuyện ta” (số đặc biệt biếu không 9/1/1937) nói chuyện xưa có bà Nữ Oa đội đá vá trời, nói sang chuyện hai ông Nguyễn Thành Hưng lấp cửa bể Thuận An thu lời ba vạn, ông Bùi Huy Tín lấp đảo cát Liên Chiểu bán cho Nhật thu lời… rồi mỉa mai: “Thật không ngờ chỗ sông Hương, núi Ngự mà sản xuất ra nhiều bậc đại tài! Nếu bậc đại tài ấy mà sản xuất ra hoài, thì có lẽ non mòn bể cạn, cát lấp đá vùi, cái hình thể chữ S này, chưa biết sẽ hóa thành chữ U cũng nên”. Mỉa mai bởi cái chính quyền thực dân lúc bấy giờ chỉ biết có tiền, cho tư bản thích làm gì thì làm...
Phóng sự “Tôi đã vào địa ngục” của M.Q mô tả các nhà tù do thực dân Pháp dựng lên là những địa ngục trần gian: Biên Hòa, Côn Lôn, Tân Đảo… M.Q tố cáo mạnh mẽ: “Địa ngục mà tôi muốn nói đây… là cái chỗ, do những tay cầm quyền trong một chế độ xã hội, đại biểu cho giai cấp ưu thắng của chế độ ấy sắp đặt ra, để đàn áp và hình phạt những giai cấp khác… , là cái mồ của người sống đào để chôn người sống…”
Truyện ngắn “Trong giấc mơ một buổi chiều” (số 2, 15/3/37) tác giả Danh Lập viết “tặng những văn sĩ viết tiểu thuyết bình dân ở nước ta”. Tác giả nhắc lại những câu chuyện thương tâm xảy ra rất nhiều trong đời sống xã hội lúc bấy giờ. Và suy nghĩ: “Sao mình không đem những truyện đó phơi bày ra ánh sáng như các nhà văn đã làm? Đứng trước cảnh đau lòng, cảnh máu chảy, nét mặt người vợ đau khổ oán hận chủ nợ, sự tuyệt vọng của người mẹ già, vẻ tiếc đời – tuy chỉ là một đời khốn nạn – của người trước khi chết mình thấy thấm thía lắm chứ? Nhưng truyện thương tâm ấy sẽ gây cho người đọc cảm động biết bao nhiêu! Tôi sẽ làm được một việc đó, không quên được kẻ nghèo, họ sẽ giúp đỡ những người xấu số, xã hội vì thế có được bớt những cảnh khốn nạn không?”
Hỏi nhưng tác giả chưa trả lời. Tác giả cho những hồn ma khốn khổ hiện lên chất vấn nhà văn, nói thẳng cho nhà văn biết hiện tình: “Ngươi muốn đem những chuyện khốn nạn của chúng ta phô bày ra ánh sáng để làm gì?... Ngươi còn dại dột lắm. Những nỗi thống khổ ấy chẳng phải bây giời mới có, phải không? Mắt họ đã thấy, nhưng sự thật ấy qua mắt họ lại quên đi. Có gì đâu. Cái sung sướng của đời họ, họ lo trước đã. Hừ! Cũng có một vài người đấy, nhưng chỉ là một vài hột cát trong bãi sa mạc, họ làm sao được, cứu giúp được hết mọi người cùng khổ như ta, chúng ta vẫn chết đói, vẫn khốn nạn, bao giờ hết được?... Vì thế tôi van xin ngươi đừng viết nữa, đừng làm nữa, công việc ấy đã biết bao người làm rồi mà có kết quả gì đâu? Kết quả đâu?”
Câu chuyện đến đây chấm dứt. Câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nhưng nhiều bài viết trong tờ báo cho ta thấy câu trả lời: Muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn, không chỉ ngồi kể khổ, mà phải đấu tranh.
Cũng trên số 2 (15/3/37) đăng truyện ngắn nói trên, báo đăng bài dịch “Romain Rolland tra lời cho A, Gide” có đoạn: “Trong chúng ta, ai cũng biết rõ chúng ta còn gặp và phải chiến thắng nhiều nỗi khó khăn, nhiều sự cản trở, nhiều kẻ nằm ý, hung ác, tham lam, ngu ngốc vô hạn, chẳng quản ai chê cười. Trong chúng ta ai cũng biết công việc của chúng ta chưa xong gì cả, một bên những dinh thự nguy nga còn có những túp liều tranh xơ xác, một bên những người đã giác ngộ và xứng đáng cho Tổ quốc xô viết, hãy còn nhiều kẻ chưa được như thế… Cuộc đời là một cuộc tranh đấu đời đời không ngớt; vậy muốn tiến bộ, muốn đi tới, chúng ta hãy tranh đấu, tranh đấu hết…”
Luôn luôn kêu gọi tranh đấu. Đó là tinh thần tiếp biến rõ nét nhất từ “Nhành Lúa” của tuần báo “Kinh tế Tân văn”.
Các tác phẩm văn học ở “Kinh tế Tân văn” cũng như trước đó ở trên báo “Nhành Lúa”, thể hiện phương pháp sáng tác nhằm mô tả thế giới như nó là, nhằm thể hiện cuộc sống trong trạng thái trung thực của nó. Các nhà văn tuy chưa xây dựng những hình tượng điển hình và điển hình hóa các sự kiện của cuộc sống; nhưng đã thừa nhận mối quan hệ hữu cơ giữa tính cách và hoàn cảnh, con người và môi trường sống; coi trọng chi tiết cụ thể và miêu tả có độ chính xác cao. Từ đó, lột tả được bản chất xấu xa của xã hội và có tác dụng kêu gọi quần chúng Nhân dân đấu tranh.