“Lê Bá Đảng – Từ Bích La đến Paris” là bộ phim đầu tay của hãng phim Khánh An - hãng phim tư nhân đầu tiên của Huế do bà Lê Cẩm Tế làm Chủ tịch HĐQT và NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh làm giám đốc. Phim do NSND Đặng Nhật Minh làm đạo diễn, bà Lê Cẩm Tế là nhà sản xuất cùng với sự cố vấn về nội dung của nhà văn Tô Nhuận Vỹ.


NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh giới thiệu phim Lê Bá Đảng – Từ Bích La đến Paris”

Với thời lượng 25 phút, bộ phim phản ánh những mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của danh họa Lê Bá Đảng – một tài năng mang tầm vóc quốc tế, đặc biệt là những tình cảm của ông với quê hương, quan điểm của ông về sáng tác nghệ thuật, về cuộc đời. Danh họa Lê Bá Đảng từng chia sẻ: “Mọi nghệ thuật chỉ có một mục đích: đi vào cái đẹp. Kỹ thuật là chuyện chân tay, ý nghĩ là chuyện trí óc, còn chất liệu thì đâu cũng có…”.
Khám phá bên trong nội tâm của người họa sĩ tài năng nên phim không có lời thuyết minh của người làm phim, không có ai nói về họa sĩ Lê Bá Đảng. Những lời trong phim là lời tâm sự, tự nói về mình hoặc được trích từ những bài viết của chính họa sĩ được thể hiện qua giọng đọc của NSND Nguyễn Ngọc Bình.
Phim như cánh cửa lật mở giữa hai không gian đan xen nhau: Paris hoa lệ và khung cảnh yên ả của làng quê Bích La. Những hình ảnh về ngôi mộ của đứa con trai duy nhất của cố họa sĩ, hạt gạo đã được họa sĩ Lê Bá Đảng nâng lên thành nghệ thuật hay tiếng cười hào sảng của ông... là những điểm nhấn đưa đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc.
“Người quê tôi – Bích La Đông, Triệu Phong, Quảng Trị hầu hết là dân quê, từ đời cha đến đời con, hạt gạo là tất cả. Người ta tôn hạt gạo như hạt ngọc nhà trời, không được làm rơi một hạt nào mà không nhặt. Bao nhiêu ý nghĩ, bao nhiêu cầu nguyện đều quay về trời. “Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy bát cơm đầy, lấy rơm đun bếp”” – tâm sự của danh họa được lồng trong tiếng của làn điệu hò giã gạo mang đến cho khán giả cảm nhận rất Việt Nam.
Những hình ảnh trong bộ phim này là hình ảnh cuối cùng của họa sĩ Lê Bá Đảng. Năm ngoái, khi đoàn làm phim sang Paris để quay phim, họa sĩ Lê Bá Đảng đã yếu lắm, phải dìu chứ ông không thể tự đi được, nói năng rất khó khăn. Vì thế, đoạn cuối phim quay cảnh ông đang nói chuyện thì giọng ông đã không còn rõ chữ.
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ kể lại, lúc đó, bà Lê Cẩm Tế nghĩ ra sáng kiến gọi điện thoại cho họa sĩ nói chuyện với ông Phiếu, em của họa sĩ đang ở Việt Nam. Điều kỳ diệu là khi nghe nói đến làng quê Bích La, tự nhiên họa sĩ Lê Bá Đảng như bừng tỉnh, giọng nói rõ ràng. Ông gửi lời thăm bà con làng xóm ở quê nhà: “Alô! Ai đấy? Phiếu à? Người Bích La trong làng, trong nhà mình ấy mà... Này, cho tôi gửi lời thăm tất cả nhé. Thôi, chào nhé” rồi ông cười sảng khoái. Đây gần như là lời nói rõ ràng cuối cùng của danh họa Lê Bá Đảng.

Những hình ảnh cuối cùng của danh họa Lê Bá Đảng (Ảnh chụp từ phim)
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ cho biết thêm: “Quê nhà luôn đau đáu trong lòng, trong tâm trí họa sĩ Lê Bá Đảng. Khi chúng tôi đi quay cảnh mộ con ông về, thấy ông đã sẵn sàng để đi về làng, bên cạnh là chiếc túi. Tôi hỏi, họa sĩ trả lời: “Về làng chứ chi nữa”.
NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh tâm sự: “Thời lượng ngắn nên bộ phim không có tham vọng nói hết được sự nghiệp, cuộc đời cũng như những công trình nghệ thuật đồ sộ của người họa sĩ tài năng này. Có thể xem đây như một nén hương tưởng niệm người cố họa sĩ đầy tài năng của đất nước”.
Xem hết bộ phim, nhà sử học Dương Trung Quốc cảm xúc: “Chỉ 25 phút nhưng bộ phim đã thể hiện cuộc đời của một người có tầm vóc to lớn đầy nghệ thuật. Ngôn ngữ nghệ thuật của phim mang đến cho người xem sự lắng đọng, đặc biệt là lời chào cuối cùng của danh họa với ngôi làng Bích La”.
Được biết, bộ phim này đã nhận được lời mời tham gia Liên hoan phim ở Hàn Quốc vào tháng 5 và Liên hoan phim tài liệu quốc tế ở Hà Nội vào tháng 6 tới.
Trang Hiền