Báo Thừa Thiên Huế Online xin trích đăng một phần bài viết “Đấu tranh trên lĩnh vực báo chí – Một hoạt động quan trọng của Tỉnh ủy Thừa Thiên và Xứ ủy Trung Kỳ trong phong trào dân chủ (1936-1939)” của nhóm tác giả Nguyễn Tất Thắng- Nguyễn Anh Tuấn:
Thành viên các báo sau cuộc họp ngày 23/1/1937 tại Hội Quảng Tri để chuẩn bị cho hội nghị báo giới Trung kỳ do Nhành Lúa hiệu triệu
...Chủ trương hoạt động báo chí công khai đã tạo điều kiện cho các đồng chí trong Tỉnh uỷ Thừa Thiên và Xứ uỷ Trung Kỳ như Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu và các đồng chí của mình phát huy ưu thế về năng lực trên lĩnh vực báo chí, tham gia nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động công khai hợp pháp trên báo chí và nghị trường. Trong đó, những tờ báo đóng vai trò quan trọng trong cuộc vận động dân chủ ở Huế là: Nhành Lúa, Kinh tế Tân Văn, Sông Hương tục bản, Dân.
Do bối cảnh lịch sử thuận lợi, Đảng ta đã tổ chức Mặt trận Dân chủ Đông Dương, nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân chủ và tiến bộ dưới khẩu hiệu hòa bình, tự do dân chủ, cơm áo. Đảng chủ trương kết hợp những hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp để xây dựng tổ chức Đảng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của nhân dân. Tiếp theo phong trào Đông Dương Đại hội, Đảng ta chủ trương vận động quần chúng đón Godart, Bộ trưởng Lao động đại diện cho Chính phủ Pháp đi điều tra tình hình Đông Dương. Đây là một cơ hội đưa quần chúng xuống đường đấu tranh, nêu nguyện vọng dân sinh dân chủ. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Chí Diểu thảo luận với Hải Triều và các đồng chí hoạt động công khai thường xuyên lui tới hiệu sách Hương Giang - Huế về việc cần kíp phải ra một tờ báo để tuyên truyền, cổ động kịp thời cho hoạt động đón Godart…
Cách mạng Việt Nam đi theo con đường của chủ nghĩa Mác – Lênin đã sản sinh ra báo chí cách mạng. Sự lớn mạnh của cách mạng quyết định sự phát triển của báo chí cách mạng. Tuy nhiên báo chí cách mạng đóng vai trò độc lập tương đối, tác động tích cực đến phong trào, như một vũ khí sắc bén để phát triển lực lượng cách mạng, tiến công địch để giành thắng lợi. Trong 4 năm (1936 - 1939), các tờ báo do xứ uỷ Trung Kỳ lập ra trên đất Huế đã để lại một di sản truyền thống chiến đấu, một nghiệp vụ báo chí vô sản, một lực lượng cán bộ làm báo vô cùng quý báu cho các thế hệ báo chí tiếp theo, nhất là sau khi giành được chính quyền tháng Tám năm 1945 trở đi.
Báo Dân, một trong các tờ báo đóng vai trò quan trọng trong cuộc vận động dân chủ ở Huế. Trong ảnh là tác phẩm tập hợp các bản sưu tầm báo Dân của nhà nghiên cứu Dương Phước Thu
Báo giới cách mạng ở Huế trong giai đoạn 1936 - 1939 đã phất cao ngọn cờ đầu tập hợp các nhà viết báo dân chủ đòi tự do báo chí, tự do ngôn luận, đả kích mãnh liệt vào bọn tay sai nô dịch và thực dân cai trị. Những người cộng sản đã giành được vai trò chủ động suốt trong quá trình vận động, có phương pháp tổ chức và lãnh đạo tốt, kết hợp được quần chúng với báo chí trên mặt trận đấu tranh chung.
Trong cao trào đấu tranh trên lĩnh vực báo chí trong phong trào dân chủ 1936 - 1939 do Xứ uỷ Trung Kỳ lãnh đạo nổi lên vai trò của các đồng chí như Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Hải Triều, Lâm Mộng Quang… Chính họ đã kiên trì lập trường và quan điểm báo chí đúng đắn, vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối, sách lược của Đảng trên mặt trận báo chí, tuyên truyền, làm báo “hợp pháp” trong khuôn khổ luật lệ hà khắc của chế độ thực dân.
Qua những hoạt động đấu tranh báo chí và hoạt động cách mạng thời kỳ 1936 - 1939, có thể thấy, các đồng chí trong Tỉnh uỷ Thừa Thiên và Xứ uỷ Trung Kỳ đã có nhiều công lao, đóng góp trong việc lãnh đạo phong trào cách mạng phát triển mạnh ở Thừa Thiên Huế và ở Trung Kỳ, trong một giai đoạn đấu tranh vô cùng sôi nổi, hào hùng của dân tộc Việt Nam. Thông qua mặt trận báo chí, theo sự chỉ đạo của Đảng, các đồng chí đẩy mạnh tuyên truyền, cổ động, giác ngộ tinh thần yêu nước và cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, trở thành những nhà cách mạng, nhà báo bút lực dồi dào trong môi trường đấu tranh dân chủ ở Trung Kỳ, Thừa Thiên Huế những năm 1936 - 1939.
Kế tục và phát huy truyền thống ban đầu, báo chí cách mạng trên quê hương Thừa Thiên Huế trong thời kỳ vận động giành chính quyền 1939 - 1945, tiếp đến là thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), ở nông thôn cũng như thành thị, ở vùng tự do trong các chiến khu hay vùng địch tạm chiếm và ngay cả trong các nhà tù của thực dân đế quốc, đã tiến một bước dài, đánh dấu một chặng đường mới.