Singapore nỗ lực phục hồi ngành du lịch sau đại dịch. Ảnh: Traveloka

Động thái này diễn ra khi Singapore mới đây đã mở cửa lại biên giới cho tất cả khách du lịch đã được tiêm phòng đầy đủ, xoá bỏ yêu cầu cách ly và kiểm dịch COVID-19.

Phát biểu tại Hội nghị ngành Du lịch của Tổng cục Du lịch Singapore (STB) hôm nay, Bộ trưởng Tan cho biết khoản tài trợ sẽ được sử dụng để hỗ trợ và duy trì năng lực cho nguồn nhân lực chiến lược của ngành, bù đắp chi phí kinh doanh, cũng như đẩy mạnh các kế hoạch phục hồi du lịch quốc tế trong những năm tới, giúp ngành du lịch trỗi dậy mạnh mẽ hơn với các sản phẩm và trải nghiệm mới.

Trong hai năm qua, Chính phủ Singapore đã rót hơn 1 tỷ SGD vào lĩnh vực này để giúp giảm các chi phí như miễn phí thuê và giấy phép, cũng như hỗ trợ việc làm và phát triển năng lực. Chính phủ nước này cũng đã chi 320 triệu SGD để thúc đẩy nhu cầu du lịch nội địa thông qua chương trình phiếu quà tặng SingapoRediscovers.

Mặc dù triển vọng du lịch quốc tế có vẻ tươi sáng, lĩnh vực này cũng phải duy trì sự linh hoạt và sẵn sàng đối mặt với những thách thức và thất bại có thể xảy ra. Do đó, các bên liên quan và các đối tác trong ngành du lịch cần vận dụng sự hỗ trợ của chính phủ để chuyển đổi hoạt động kinh doanh và phát triển các năng lực mới, Bộ trưởng Tan khuyến nghị.

“Thiên đường chăm sóc sức khỏe đô thị”

Theo CNA, du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch bền vững được nhấn mạnh là các lĩnh vực trọng tâm của ngành du lịch Singapore do nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng.

Với mục tiêu đưa Singapore trở thành một điểm đến du lịch bền vững, Bộ trưởng Tan cho biết một chương trình mới sẽ được đưa ra để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong nỗ lực phát triển bền vững. Theo đó, Chương trình Du lịch Bền vững (TSP) sẽ tập trung vào việc xây dựng năng lực, thúc đẩy đổi mới cũng như giáo dục và nâng cao nhận thức.

Để khuyến khích sự đổi mới, Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển và thử nghiệm các giải pháp bền vững sáng tạo thông qua Chương trình Tăng tốc Du lịch Singapore. Trong khuôn khổ chương trình, các nhà cung cấp công nghệ sáng tạo và các doanh nghiệp du lịch sẽ hợp tác cùng nhau để phát triển các giải pháp trong các lĩnh vực như quản lý chất thải, nước, năng lượng và khí thải carbon để chúng có thể được nhân rộng trong toàn ngành.

Khác với Bali hay Phuket, Singapore đang tìm cách xác định vị thế như một thiên đường chăm sóc sức khỏe đô thị, với mục tiêu trở thành một thành phố sầm uất nơi mọi du khách có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.  

Năm 2019, thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe toàn cầu ước tính đạt hơn 720 tỷ USD. Tuy nhiên, với sự bùng phát của đại dịch, nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe toàn diện đã được nâng cao, khiến thị trường này dự kiến ​​sẽ tăng trưởng mạnh lên 1.100 tỷ USD vào năm 2025, tổ chức phi lợi nhuận Global Wellness Institute dự báo.

Chính phủ Singapore cho rằng cần nhắm mục tiêu đến nhóm khách du lịch chăm sóc sức khỏe thứ cấp, những người tìm kiếm những trải nghiệm sức khỏe hoặc các lựa chọn lành mạnh khi đến Singapore, dù là để giải trí hay công tác.

Với đặc trưng là “Thành phố Thiên nhiên” và đầy không gian xanh, Singapore được cho là có nhiều tiềm năng để khai thác các trải nghiệm về chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, quốc đảo này cũng có thể sử dụng công nghệ như một đòn bẩy, kết hợp với sự đa dạng, để phát triển các sản phẩm và trải nghiệm chăm sóc sức khỏe sáng tạo, nhằm cải thiện sức khoẻ tinh thần và thể chất, cũng như tái tạo năng lượng cho người dân và du khách.

Tố Quyên (Lược dịch từ CNA)