Vậy mà từ tháng 3 năm nay, có quy định bệnh nhân nửa tháng phải đến khám lại để nhận thuốc. Không rõ đây là quy định của Bộ Y tế hay bảo hiểm y tế? Dù là cơ quan nào quy định thì sự thay đổi này gây ra rất nhiều rắc rối. Qua facebook, tôi có trao đổi với bạn văn có chút quen biết là Thầy thuốc Nhân dân Trần Sĩ Tuấn, từng là Tổng Biên tập Báo “Sức khỏe và Đời sống" và anh đã viết trên facebook ngày 2/4 xác nhận vấn đề tôi nêu lên: “Cũng là ý kiến của rất nhiều bác đi khám bảo hiểm. Cứ nửa tháng phải đi khám một lần, mà thực tế chả khám gì mà chỉ để làm thủ tục lấy thuốc. Những lần lấy thuốc tiếp theo y chang những lần trước. Vừa phiền hà cho người bệnh và cả cho bệnh viện, vì phải qua rất nhiều công đoạn và thủ tục. Bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch và các bệnh mạn tính khác ít nhất 3 tháng mới phải đổi thuốc khác. Vì vậy quy định nửa tháng khám lại để lấy thuốc là bất hợp lý”.

Như đã viết ở trên, nếu để kịp theo dõi bệnh tình thì bệnh mãn tính rất ít chuyển biến và nếu có bất thường thì bệnh nhân đã lập tức đến bệnh viện. Do đó, quy định nửa tháng (15 ngày) phải đi khám lại, trước hết làm khổ bệnh nhân - với người già 70-80 tuổi mỗi tháng thêm một lần chen chúc, chờ đợi khám (chỉ là “hình thức” chiếu lệ) rồi nhận thuốc rất khổ. Trong khi dịch COVID-19 chưa hết thì nguy cơ lây nhiễm vẫn còn. Đó là chưa nói đến những rủi ro trên những đường phố đông đúc.

Về ngành y tế thì từ bác sĩ cho đến các khâu phục vụ bệnh nhân đều tăng gấp đôi công việc. Có người bảo rằng: như thế sẽ tăng thu nhập? Tôi không tin ngành y nhân đạo lại tính toán vì tiền như thế! Còn bảo hiểm y tế thì không hiểu thu được lợi ích gì từ quy định mới này?

Rất mong ý kiến nhỏ thẳng thắn của một bệnh nhân trên 80 tuổi được lãnh đạo ngành y tế và bảo hiểm y tế lắng nghe và kịp thời phản hồi. Nếu quả việc thay đổi thực sự ích quốc lợi dân, xin thông báo cho công chúng được biết. Nếu không, đề nghị cần sớm bãi bỏ quy định mới ban hành vừa nêu ở trên, đồng thời nên có quy định bác sĩ được quyền cấp thuốc 2 tháng một lần cho bệnh nhân mãn tính trên 70 tuổi, khi xét thấy bệnh ít diễn biến và không cần đổi thuốc; với bệnh nhân già yếu thì được ủy quyền cho người thân đến nhận thuốc hàng tháng, chứ không để mỗi bệnh viện thực hiện một cách khác nhau và bác sĩ khó xử trí khi bệnh nhân yêu cầu…

Trung Sơn