Thừa Thiên Huế là vùng đất tích tụ nhiều di sản văn hóa – lịch sử có giá trị mang tầm quốc gia và quốc tế. Trong đó, thư tịch Hán - Nôm là loại hình di sản quý giá được nhiều cơ quan nghiên cứu ở Trung ương và địa phương, cùng các làng xã, dòng tộc, gia đình đặc biệt quan tâm gìn giữ, bảo quản cho đến tận ngày nay; là nguồn tư liệu cực kỳ quý hiếm, giúp cho các thế hệ hôm nay và mai sau có cơ hội tìm hiểu về cội nguồn lịch sử - văn hóa của cha ông. Đặc biệt, trong đó các loại bằng cấp quan tước của triều đại nhà Nguyễn ban cấp cho các cá nhân học hành, đỗ đạt, làm quan là người Thừa Thiên Huế lại càng mang một ý nghĩa đặc biệt.

 Với ý nghĩa đó, trong hơn 10 năm qua, Thư viện Tổng hợp tỉnh phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh triển khai chương trình “Sưu tầm, số hóa tài liệu Hán – Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”, bao gồm các loại sắc phong, chế phong, chiếu chỉ, bằng cấp, gia phả, địa bạ, hương ước làng xã... Từ kết quả nghiên cứu, sưu tầm, số hóa di sản tư liệu Hán - Nôm hiện còn trên địa bàn tỉnh, đã tiến hành tuyển chọn, biên soạn và công bố nhiều công trình khoa học có giá trị, trong đó cuốn "Bằng cấp quan chức triều Nguyễn tại Thừa Thiên Huế" được Nhà xuất bản Thuận Hóa cấp phép ấn hành vào cuối năm 2021 là một trong số đó.

 Sách được biên soạn theo thể loại tra cứu và được chú ý đầu tư công sức, lựa chọn, sắp xếp, phiên âm, dịch nghĩa, hiệu đính và hệ thống hóa một cách chi tiết, rõ ràng, được sắp xếp thành 3 phần, với dung lượng trên 450 trang khổ lớn (21x30cm), được in ấn và trình bày trang nhã, đẹp mắt, rất thuận tiện, bổ ích cho giới nghiên cứu khoa học xã hội – nhân văn và những ai quan tâm văn hóa – lịch sử triều Nguyễn.

Phần 1: "Bằng cấp" (từ trang 11 đến trang 148, được in màu) giới thiệu qua hình ảnh rõ nét 270 bằng cấp (bằng chữa Hán) của các triều vua nhà Nguyễn phong cấp cho các quan chức thuộc các dòng họ, làng xã, phủ đệ trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã được mã hóa theo thứ tự (ký hiệu nơi đang lưu giữ). Trên mỗi bằng cấp đều được ghi rõ nơi xuất xứ (dòng họ, làng xã, phủ đệ, người được cấp bằng), ký hiệu tra tìm…, rất thuận tiện cho người sử dụng tra cứu và minh định tính xác thực của nguồn tư liệu, là cơ sở cần thiết để tiến hành bảo quản, lưu trữ một cách khoa học, hiện đại, mang tính bền vững nhất, nhằm trao truyền cho thế hệ mai sau.

Phần 2: "Phiên âm, dịch nghĩa" (từ trang 149 đến  trang 420) được giới chuyên môn phiên âm, dịch nghĩa, hiệu đính nội dung từng bằng cấp hết sức rõ ràng, chi tiết và cẩn trọng. Qua đó, giúp người đọc hiểu rõ nội dung, ý nghĩa, phẩm hàm, chức tước của quan chức tại vị và niên đại trên mỗi bằng cấp…

Phần 3: "Bảng tra" (từ trang 421 đến 459) được thiết kế cách tra cứu theo địa phương (đơn vị hành chính huyện, xã, dòng họ) và tra cứu theo mã số tài liệu (nội dung bằng cấp, mã số trên mỗi bằng cấp gắn với file gốc). Tất cả gắn kết với hình ảnh mỗi bằng cấp trong cuốn sách được sắp xếp theo từng vị trí ấn định trên từng trang sách và nội dung từng bằng cấp đã được phiên âm, dịch nghĩa và mã hóa tạo thành file lưu trữ, giúp cho người đọc thuận tiện trong việc tìm kiếm, tra cứu thông tin cần tìm trong cuốn sách.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đánh giá: Cuốn sách "Bằng cấp quan chức triều Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế" là ấn phẩm đầu tiên trong cả nước giới thiệu về các bằng cấp quan chức triều Nguyễn. Đó là những văn bản công vụ chủ yếu của Bộ Binh, Bộ Lại, Bộ Lễ và của các quan tổng đốc, tuần phủ… trải qua các triều đại nhà Nguyễn về việc bổ nhiệm, điều động, sắp xếp công việc, thăng, giáng chức vụ… Đặc biệt, cuốn sách còn góp phần làm sáng tỏ thêm hành trang, sự nghiệp, nhân cách của một số nhân vật lịch sử dưới triều Nguyễn, mà trong các bộ chính sử đã từng ghi chép, nhưng chưa đầy đủ. Đây được xem là nguồn tư liệu quý, chứa đựng nhiều thông tin giá trị về lịch sử - văn hóa chưa từng được công bố.

NGUYỄN ĐÌNH DŨNG