Cán bộ Trường ĐH Khoa học tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh THPT
Thêm nhiều ngành mới
Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế vừa công bố phương án, kế hoạch tuyển sinh năm 2022. Đáng chú ý, bên cạnh các ngành học truyền thống, có 2 ngành mới là truyền thông số; quản lý an toàn, sức khỏe và môi trường. Theo đại diện Trường ĐH Khoa học, qua khảo sát thị trường lao động và các tổ chức, doanh nghiệp, dự báo nhu cầu nhân lực, hai ngành mới có nhu cầu khá lớn.
TS. Phan Quốc Hải, Trưởng khoa Báo chí - Truyền thông, Trường ĐH Khoa học cho biết, trong thời đại số, truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng với hầu hết các lĩnh vực, đơn vị, doanh nghiệp. Với sự phát triển của công nghệ và internet, truyền thông số là ngành quan trọng đang có nhu cầu rất lớn hiện tại và tương lai. Trong khi đó, theo đại diện Trường ĐH Khoa học, chương trình đào tạo quản lý an toàn, sức khỏe và môi trường lại hướng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao có kiến thức cơ bản và chuyên sâu trong lĩnh vực an toàn lao động, sức khỏe nghề nghiệp và quản lý môi trường tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm đảm bảo một môi trường làm việc an toàn và sức khỏe tốt nhất cho người lao động. Đây cũng là một trong những vấn đề quan trọng, được nhiều người quan tâm sau những biến động của dịch bệnh.
Nhiều đơn vị khác thuộc ĐH Huế cũng mở ra các ngành mới, điển hình như ngành kinh tế tài nguyên thiên nhiên (Khoa Quốc tế - ĐH Huế), lâm nghiệp (Trường ĐH Nông Lâm); hai ngành kỹ thuật xây dựng và kinh tế xây dựng (Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế). “Mới đây, chúng tôi đã ký kết hợp tác với Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (TP. Hồ Chí Minh). Hợp tác sẽ tạo cơ chế phối hợp trong xây dựng chương trình và đào tạo, thực tập, thực tế, hỗ trợ sinh viên và tuyển dụng đầu ra việc làm”, TS. Nguyễn Quang Lịch, Phó Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế thông tin.
Cùng với việc mở ngành, có đơn vị đào tạo cũng mở thêm chuyên ngành mới. TS. Phan Thanh Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế cho biết, từ năm 2022, nhà trường bổ sung chuyên ngành công nghệ tài chính trong ngành đào tạo tài chính - ngân hàng. Trước đây, ngành tài chính - ngân hàng chỉ có 2 chuyên ngành là tài chính và ngân hàng. Chuyên ngành mới được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu tuyển dụng thời đại 4.0. “Tổng chỉ tiêu chung của ngành tài chính - ngân hàng là 100, sau khi học năm đầu, sẽ đào tạo theo chuyên ngành cho sinh viên”, đại diện Trường ĐH Kinh tế cho biết.
Theo TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế, với một số ngành mới, năm nay, ĐH Huế tuyển sinh khoảng 140 ngành với 146 chương trình đào tạo (một số ngành của Trường ĐH Sư phạm có cả chương trình đào tạo tiếng Anh và tiếng Việt). Điểm mới của các ngành mới mở là chương trình đào tạo được thiết kế theo mô-đun (module), mỗi mô-đun tập hợp nhiều học phần, chương trình không bị chia nhỏ, tạo thuận lợi cho công tác giảng dạy. Đơn cử như quản lý an toàn, sức khỏe và môi trường, chương trình đào tạo được chia thành các gói mô-đun khác nhau. Tùy vào chương trình, mô-đun mà sinh viên đăng ký học, sinh viên được đi thực tập ngay khi hoàn thành xong mô-đun đó.
Chỉ tiêu thấp, thí sinh cần tận dụng kênh tư vấn
Theo đại diện Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế, một trong những điểm đáng chú ý là với những ngành mới, trong năm đầu tuyển sinh, chỉ tiêu thường không quá 50 chỉ tiêu/ngành cho tất cả các phương thức.
TS. Nguyễn Công Hào cho hay, việc mở ngành mới dựa trên mục tiêu phát triển từng đơn vị và dự báo nhu cầu nhân lực qua khảo sát, cùng với việc đảm bảo đội ngũ, cơ sở vật chất, sau đó mới xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng đề án, thẩm định đề án qua các bước, các cấp. Trong năm đầu, chỉ tiêu thường giới hạn hơn so với các ngành khác. Mỗi ngành cũng tuyển sinh theo nhiều tổ hợp môn xét tuyển khác nhau. Ngoài hai phương thức thường thấy là dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét học bạ, một số ngành còn tuyển thêm các phương thức khác. Đây là điều thí sinh cần quan tâm lưu ý.
Song song với việc mở ngành mới, ĐH Huế và các trường cũng đẩy mạnh khâu tư vấn, giới thiệu ngành mới để các thí sinh hiểu. Thông tin về ngành mới thường được thí sinh quan tâm, tuy nhiên cũng có những trường hợp chưa tìm hiểu sâu mà chọn lựa, dễ dẫn đến nguy cơ chọn ngành chưa phù hợp.
TS. Nguyễn Công Hào cho biết, hiện nay, bộ phận trực tuyển sinh của ĐH Huế và các trường đã hoạt động liên tục trên các kênh tư vấn qua đường dây nóng điện thoại, email, mạng xã hội facebook, website… và được phân cấp để trả lời chi tiết những thắc mắc của thí sinh. Thí sinh cần tận dụng kênh tư vấn để hiểu về những điểm mới trong tuyển sinh, trong đó có thông tin những ngành mới.
Bài, ảnh: Hữu Phúc