Tháng 9/2020 đưa 5 tuyến buýt nội tỉnh Phương Trang vào hoạt động góp phần tạo hình ảnh vận tải hành khách công cộng trên địa bàn văn minh và hiện đại hơn

Tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ kéo theo sự gia tăng dân số, phương tiện cá nhân, nguy cơ ùn tắc giao thông ngày càng tăng nên xu hướng phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), trong đó chú trọng loại hình xe buýt là tất yếu.

Từ năm 2003, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về phục vụ VTHKCC bằng xe buýt do UBND tỉnh đầu tư, chủ yếu hoạt động tuyến Huế - Phú Bài, nội thị Huế và một số địa phương lân cận. Giữa năm 2011, xe buýt Hoàng Đức đưa vào khai thác và mở ra thêm nhiều tuyến mới. Đến nay, mạng lưới xe buýt trong tỉnh cũng như hệ thống kết nối với địa phương lân cận ngày càng đa dạng, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Phạm Xuân Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Bến xe Huế, ở góc độ khách hàng khi lựa chọn xe buýt làm phương tiện chính để đi lại, nhiều người đều đánh giá sự tiện ích của loại hình này bởi giá rẻ, lưu thông qua nhiều cung đường, các tuyến có sự giao thoa tạo điều kiện cho người dân di chuyển dễ dàng. Hơn nữa, việc khuyến khích người dân sử dụng VTHKCC bằng xe buýt còn là giải pháp để giải quyết ùn tắc và tai nạn giao thông đang là vấn đề “nóng” của các đô thị lớn.

Ai cũng thừa nhận xe buýt là loại phương tiện đi lại đã được nhiều người dân tiếp cận, nhưng một thực tế đáng quan tâm là lượng khách sử dụng phương tiện này ngày càng giảm. Một số tuyến xe buýt lâm vào tình trạng ế khách, kém hiệu quả buộc nhiều phương tiện phải ngưng hoạt động.

Đơn cử như xe buýt Hoàng Đức hiện đang hoạt động gần 15 tuyến nối trung tâm TP. Huế về các huyện, nhưng rơi vào tình trạng "chợ chiều". Hành khách đa phần không còn mặn mà với các tuyến buýt này vì hầu hết phương tiện đã cũ kỹ, xuống cấp, thái độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp...

Mới đây trong hội nghị bàn giải pháp an toàn giao thông (ATGT) toàn tỉnh, ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông phàn nàn về xe buýt Nam Đông - Huế làm mất vẻ mỹ quan những tuyến giao thông ở địa phương này. Hầu hết xe đưa vào hoạt động ở tuyến buýt này quá cũ, xập xệ, hay hỏng hóc làm gián đoạn, trễ nải công việc của con em, cán bộ địa phương và nguy cơ mất ATGT sẽ không lường trước. Ông Hồ cho rằng, đó là hệ quả của sự đầu tư thiếu bài bản cho VTHKCC bằng xe buýt của doanh nghiệp, cần sớm thay đổi.

Ngoài nguyên nhân trên còn nhiều yếu tố khiến người dân không “mặn mà” với xe buýt do hiện nay hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa có tuyến buýt kết nối đến các khu vực dân cư. Nhiều địa phương như Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang... nơi có những trung tâm thị tứ, khu công nghiệp (KCN), nhưng chưa có mạng lưới xe buýt "đúng nghĩa" để giúp người dân tiếp cận. Nhiều người kiến nghị cần xem xét “kéo dài” các tuyến buýt vào sâu trong các khu dân cư đang đô thị hóa và các KCN để thu hút thêm người dân, công nhân đi xe buýt.

Các chuyên gia lĩnh vực giao thông đánh giá, nhu cầu cũng như nguồn lực để phát triển mạnh xe buýt tại Thừa Thiên Huế khá lớn. Nâng cao chất lượng phục vụ là yếu tố sống còn, song công việc này còn bất cập. Giải pháp căn cơ, dài hơi ngoài yếu tố chiến lược, đầu tư bài bản của các doanh nghiệp đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ tạo điều kiện cho xe buýt lưu thông thuận lợi. Như vậy vừa linh động vừa giảm bớt lượng xe cá nhân di chuyển trên đường.

Sắp đến, khi Nhà ga T2, Cảng HKQT Phú Bài hoàn thành; hệ thống mạng lưới hạ tầng giao thông, như cao tốc, đường ven biển, các trục vành đai nội, ngoại tỉnh kết nối hoàn thiện thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Cần xem đây là cơ hội để đổi mới, “lột xác” VTHKCC bằng xe buýt. Phát triển hiệu quả loại hình này sẽ giảm bớt áp lực phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc, tránh TNGT, giảm ô nhiễm môi trường và chi phí xã hội...

Thừa Thiên Huế đang triển khai giai đoạn 2 để hoàn chỉnh mạng lưới VTHKCC thông qua đề án: "Sắp xếp, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ phục vụ VTHKCC từ nay đến năm 2030" do Công ty CP Phát triển đô thị bền vững - Hà Nội thực hiện, hy vọng sẽ sớm khắc phục những bất cập lâu nay để mạng lưới xe buýt hoạt động chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: Song Minh