Chí ít, đây là lần thứ hai TP. Huế đề cập đến việc cho kinh doanh trên vỉa hè. Lần đầu cách đây nhiều năm, sau một hồi bàn qua bàn lại thì thấy không đề cập gì đến nữa. Lần này gọi là thí điểm “Phương án sử dụng vỉa hè, lòng đường vào mục đích kinh doanh nhằm tạo sinh kế cho người dân tại 2 địa điểm, gồm đường Nguyễn Văn Huyên, phường Phú Hội và kiệt 139 đường Trần Hưng Đạo, phường Đông Ba, TP. Huế. Thời gian thí điểm là 6 tháng”.

Không biết hai địa điểm nói trên, TP. Huế sẽ thí điểm như thế nào nhưng cần khẳng định rằng, việc cho thuê vỉa hè để kinh doanh ở những thành phố là cần thiết và rất nên làm. Bởi nó đưa lại nhiều lợi ích sau: tạo thêm sinh kế cho người dân; tận dụng được không gian công cộng (ở đây là vỉa hè) có thể chưa khai thác hết công năng, tức là biến cái không giá trị hoặc giá trị thu được thấp thành những giá trị cao hơn; ngân sách Nhà nước có thể thu được thêm tiền; nếu làm tốt có thể dần dà là nơi sinh hoạt đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng và nếu làm tốt hơn nữa nó trở thành một nét văn hóa mà người ta thường gọi là “văn hóa vỉa hè”. Vì những lợi ích nêu trên nên khẳng định là nên làm.

Điều này không có gì mới mẻ đối đối thế giới. Việt Nam thì không biết đã có chưa nhưng trên thế giới thì đã từng. Ngay các thành phố lớn trên thế giới như New York (Mỹ), London (Anh), Paris (Pháp) đã làm điều này từ lâu và thu về cho ngân khố một lượng tiền đáng kể. Và đương nhiên khi cho kinh doanh trên vỉa hè phải kèm theo những điều kiện nghiêm ngặt, ai vi phạm các điều kiện sẽ bị phạt nặng.

Điều kiện đó là gì? Phải dành ra một phần đường đủ thuận tiện cho người đi bộ. Tức là không thể thay đổi hoàn toàn công năng của vỉa hè. Muốn hài hòa được công năng đi bộ và kinh doanh nghĩa là lề đường đó phải rộng. Ở TP. Huế, trước đây vỉa hè rất hẹp và thậm chí nhiều tuyến đường không có vỉa hè nhưng sau những chương trình chỉnh trang đô thị, vỉa hè ở TP. Huế được cải thiện đáng kể - rộng hơn, đẹp hơn, sang trọng hơn. Chọn nơi thí điểm hoặc cho kinh doanh thật sự cần phải đáp ứng đầu tiên là tiêu chí này.

Điều kiện thứ hai, đó là kinh doanh nhưng không làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà phải làm cho đô thị đẹp hơn lên. Tức là từ bảng hiệu đến bàn ghế phải được thiết kế đẹp. Phải đảm bảo điều kiện về bảo vệ môi trường. Ở Huế, là một thành phố du lịch, với tính cách con người nhẹ nhàng, chất giọng khác biệt, ẩm thực phong phú… nếu làm tốt chúng ta sẽ có một sản phẩm để giới thiệu với mọi người, đặc biệt là du khách.

Một bài học của một số nước đó là không đánh đồng việc thu phí các mặt hàng kinh doanh giống nhau và các vị trí đều như nhau. Ví dụ như kinh doanh những sản phẩm bình thường để thu lợi nhuận sẽ nộp phí khác với những mặt hàng hàm chứa việc giới thiệu văn hóa bản địa và những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Những sản phẩm chứa đựng văn hóa địa phương phải được ưu tiên hơn, tức là nộp phí ít hơn. Tức là không theo kiểu “chia lô thu tiền”. Những nơi có lợi thế kinh doanh sẽ phải nộp phí nhiều hơn những nơi ít lợi thế.

Số phí thu được, chính quyền cần ưu tiên cho việc nâng cấp và làm đẹp hơn vỉa hè. Ưu tiên cho việc đầu tư thiết kế và sử dụng các điều kiện phục vụ kinh doanh thuận tiện. Chẳng hạn như kinh doanh hàng ăn uống, chúng ta không thể xây dựng các công trình vệ sinh trên vỉa hè thì có thể thuê một diện tích nào đó ở các căn hộ gần đó để phục vụ việc này.

Phải nghiên cứu và đưa ra những điều kiện kinh doanh và buộc những người muốn kinh doanh phải cam kết thực hiện triệt để. Hiện giờ, các thiết bị điện tử cho phép giám sát mọi lúc mọi nơi nên cũng thuận tiện hơn cho việc quản lý. Điều này sẽ góp phần xây dựng ý thức tuân thủ quy định cho người kinh doanh.

Biết đâu Huế sẽ có một sản phẩm văn hóa mới, văn hóa vỉa hè chứ không đơn thuần là một địa điểm kinh doanh.

LÊ BÌNH AN