Thách thức chính mà COVAX phải đối mặt là giúp các quốc gia tăng khả năng dự trữ và phân phối. Ảnh minh họa: THX/TTXVN/Vietnam+

Trước đó, COVAX cho biết, chương trình cần thêm 5,2 tỷ USD để tiếp tục cung cấp vaccine COVID-19 trên quy mô lớn, như một phần của chương trình toàn cầu nhận nhiệm vụ cung cấp vaccine cho các quốc gia nghèo hơn.

Trong đó, 2,1 tỷ USD trong tổng số tiền hỗ trợ là đến từ các công cụ tài chính sáng tạo, 1,7 tỷ USD từ các cam kết có chủ quyền của các quốc gia riêng lẻ và 1 tỷ USD từ hỗ trợ của các ngân hàng phát triển đa phương.

Cho đến nay, COVAX đã cung cấp 1,42 tỷ liều vaccine COVID-19 cho 145 quốc gia. Việc mở rộng quy mô phân phối vaccine thông qua COVAX được coi là rất quan trọng để đáp ứng mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng đến giữa năm 2022 sẽ tiêm chủng cho 70% dân số ở các quốc gia nghèo hơn.

Giám đốc Liên minh toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI) Seth Berkley cho biết, chương trình COVAX đã có đủ vaccine và thách thức chính mà COVAX phải đối mặt là giúp các quốc gia tăng khả năng dự trữ và phân phối.

“Đó là điều mà chúng tôi vẫn đang nỗ lực thực hiện ngay lúc này. COVAX chính là nơi nguồn vốn quan trọng này sẽ tạo ra sự khác biệt lớn”, Giám đốc Seth Berkley khẳng định.

Trong một thông tin có liên quan, từ hồi tháng 2, hãng tin Reuters đưa tin rằng COVAX đang gặp khó khăn trong việc phân bổ hơn 300 triệu liều vaccine.

Bộ trưởng Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức Svenja Schulze phát biểu trong một cuộc họp báo rằng nước này sẽ đóng góp 1,2 tỷ USD trong năm nay cho Chương trình Hợp tác toàn cầu tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A), bao gồm vaccine cũng như các xét nghiệm và phương pháp điều trị.

Điều này có nghĩa là một lần nữa, Đức sẽ đóng góp cho ACT-A để thể hiện cam kết trong việc thúc đẩy các giải pháp toàn cầu cho những thách thức toàn cầu.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)