Thừa Thiên Huế Online xin trích đăng một phần bài viết "Nội dung phản ánh và hình thức thể hiện của tin, bài trên tuần báo Nhành Lúa" của T.S Phan Quốc Hải:

Trang nhất hai số báo Nhành lúa và Kinh tế Tân văn được sưu tầm phục vụ trưng bày

Nội dung phản ánh của báo Nhành Lúa chủ yếu tập trung phản ánh những vấn đề, sự kiện liên quan đến lĩnh vực chính trị-xã hội (chiếm 80,02%), trong đó ba vấn đề lớn được đề cập nhiều nhất là đòi quyền tự do ngôn luận (chiếm 30,2%), phê phán nhà cầm quyền (chiếm 23,2%) và thông tin về các cuộc đình công (45,7%.). Nội dung phản ánh này hoàn toàn phù hợp với tôn chỉ, mục đích của tờ báo là “bênh vực người nghèo ở xứ Đông Dương”, trong đó báo kêu gọi “liên hiệp lại” “đòi tự do ngôn luận, tự do báo giới, tự do đi lại, bỏ thuế thân, bớt thuế điền thổ và đại xóa tù chính trị” (Chúng tôi lên tiếng gọi-Nhành Lúa, số 1). Đây cũng là vấn đề bức thiết được đặt lên hàng đầu, là nhiệm vụ của xứ ủy Trung Kỳ lúc bấy giờ.

Thông tin của báo chú trọng đến những vấn đề lớn của thời cuộc, nhanh nhạy, kịp thời là diễn đàn để thể hiện được tâm tư, nguyện vọng của toàn dân chúng bị áp bức, bóc lột và cũng là địa chỉ để các chí sĩ cách mạng hoạt động bí mật, “định hướng tuyên truyền, bồi dưỡng lý luận cho những thanh niên yêu nước giàu nhiệt huyết cách mạng, đang khao khát tìm đường chống thực dân Pháp và phong kiến nhà Nguyễn”.

Bố cục trình bày của báo Nhành Lúa được thực hiện uyển chuyển, kết hợp nhiều chuyên mục như Đoản bình, Gặp thì nói, Sóng gió năm châu, Hỏi… Trả lời, Những nấm độc trong rừng báo, Tin tức trong tuần, Truyện dài theo một trật tự nhất định dễ tiếp nhận thông tin. Những chuyên mục này tập trung các tin, bài theo nội dung đã được thiết kế sẵn phù hợp với mục đích và tôn chỉ của tờ báo. Hầu hết tên các chuyên mục đều có nội hàm về các vấn đề chính trị-xã hội nên rất phù hợp để trình bày các bài viết thuộc lĩnh vực này.

Xây dựng các chuyên mục để trình bày các bài viết là hướng đi khá hiện đại, khoa học trong hoạt động báo chí và xuất bản lúc bấy giờ. Có chuyên mục, các số báo có thể trình bày nhiều bài viết cùng một lúc với nhiều dung lượng khác nhau. Hơn nữa, chuyên mục sẽ “gom” những nội dung cụ thể của các bài viết vào một khu vực nhất định, tránh thông tin sắp xếp lộn xộn, khiến người đọc khó tiếp cận nội dung. Tuy nhiên nếu sử dụng quá nhiều bài viết trong mỗi chuyên mục, hoặc ít bài viết như mỗi bài viết lại có dung lượng quá dài sẽ làm tăng dung lượng của thông tin của chuyên mục, điều này gây khó khăn cho người đọc trong tiếp cận thông tin. Một số bài báo của Nhành Lúa gặp phải lỗi này, chẳng hạn, “Ý nghĩa của hiệp ước Đức, Nhật”- Sóng gió năm châu (Nhành Lúa, số 3), “Chủ nghĩa quốc gia đương đến ngày phá sản” (Nhành Lúa, số 3), “Những cuộc đình công đầu tiên ở Huê” (Nhành Lúa, số 4).

Sử dụng ngôn ngữ phổ thông, toàn dân đậm chất chính luận, kết hợp với ngôn ngữ địa phương, lối nói khẩu ngữ, gần gũi, hướng đến đối tượng tiếp nhận là các tầng lớp nhân dân lao động cho thấy việc kết hợp này có mục đích rõ ràng của những người làm báo Nhành Lúa. Ngôn ngữ dễ hiểu, gần gũi sẽ giúp công tác thông tin, tuyên truyền của tờ báo hiệu quả hơn. Đây là một kinh nghiệm lớn đối với báo chí hiện đại trong việc sử dụng ngôn ngữ đa dạng để phù hợp với các nhóm đối tượng tiếp nhận.

Tuy vậy nếu lạm dụng quá nhiều ngôn ngữ địa phương, tiếng nói, khẩu ngữ đời thường, những biến thể ngôn ngữ lạ lẫm, chưa được sự chấp nhận của cộng đồng sẽ làm cho nội dung bài báo khó hiểu, thậm chí hiểu sai vấn đề. Hơn nữa, báo chí vừa là phương tiện thông tin, tuyên truyền nhưng cũng đồng thời là phương tiện phổ biến, chuẩn mực các hành vi ngôn ngữ, vì vậy cần thiết phải cẩn trọng mỗi khi sử dụng ngôn ngữ trước khi xuất bản.

Dù chỉ tồn tại trong khoảng thời gian 2 tháng, báo Nhành Lúa đã trở thành một tờ báo có nhiều đóng góp trong hoạt động báo chí và cả trong hoạt động chính trị. Tờ báo đã thể hiện rõ được những ưu việt nhất định trên phương diện làm báo lẫn phương diện làm chính trị. Đó là cách thông tin những vấn đề thời sự, nóng hổi, cập nhật nhanh chóng những tin tức thời sự cần thiết cho người đọc, thực hiện phương thức thông tin kết hợp với vận động, kêu gọi để vừa làm tròn nhiệm vụ cung cấp thông tin vừa làm nhiệm vụ đặc thù, làm chính trị bằng nghiệp vụ.

Phương thức trình bày thông tin, cách chọn và sắp xếp các chuyên mục rất khoa học, hiện đại, giúp tờ báo có thể chuyển tải thông tin nhanh chóng và dễ tiếp nhận. Ngôn ngữ sử dụng trong các tin, bài được lựa chọn phù hợp, nhất là việc kết hợp ngôn ngữ toàn dân và ngôn ngữ địa phương, ngôn ngữ đậm chất chính luận và ngôn ngữ khẩu ngữ, đời thường tạo nên đặc trưng và hiệu quả thông tin của tờ báo.