Phụ nữ sẽ giảm áp lực khi được san sẻ những công việc gia đình

Phải tròn nhiều vai

Trên một diễn đàn có chủ đề "Công việc nội trợ", có 2,8% người tham gia khảo sát cho rằng các thành viên nam: ông, bố, anh em trai, cháu trai, con trai là người phụ trách chính công việc nhà trong gia đình họ. Và có đến 68,8% người tham gia khảo sát mong muốn phân chia lại công việc nhà và trách nhiệm gia đình giữa các thành viên.

Nhiều phụ nữ chia sẻ, họ cảm thấy bản thân và mẹ, bà, cô... những người phụ nữ phải làm nhiều công việc nhà. Điều này dẫn đến việc không có thời gian cho sự nghiệp riêng. Nếu làm việc nhà hoàn toàn, họ sẽ không có nguồn thu nhập cá nhân, bị coi thường, nguy hiểm hơn là trầm cảm khi thấy bản thân thấp kém.

Thực sự trong thời đại hiện nay, chưa nói đến tiêu chí bình quyền, việc phân chia công việc trong xã hội cũng rất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới. Vì thế, trong khi vừa áp lực công việc chuyên môn, công tác xã hội, người phụ nữ còn phải làm tròn vai người vợ, người mẹ, người con với nhiều công việc "không tên" trong gia đình.

Khi phụ nữ tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động kinh tế-xã hội và quỹ thời gian dành cho công việc nội trợ cũng ít lại. Vì thế, áp lực chu toàn cả hai trách nhiệm ngày càng gia tăng và tạo sức ép không nhỏ lên tinh thần và chất lượng cuộc sống và công việc của nữ giới.

Cũng theo báo cáo tổng kết thực hiện "Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 -2020" trên địa bàn tỉnh, trong mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình có đề ra chỉ tiêu "rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam xuống 1,5 lần vào năm 2020". Tuy chỉ tiêu này không được thống kê, đánh giá cụ thể do mang tính định tính mà khó định lượng, nhưng trên thực tế, đây là một trong những tiêu chí quan trọng và phải có giải pháp, đánh giá một cách thấu đáo.

Cân bằng việc nhà và việc xã hội

Nhiều phụ nữ vẫn còn kham quá nhiều việc nhà trong khi phải đảm việc nước. Cũng vì "cam" việc nhà, nên người phụ nữ có lúc tự biến mình trở thành ô-sin trong gia đình, nếu nhà không có người giúp việc. Đi đâu họ cũng không yên tâm giao việc, ai làm cũng không tin tưởng để nhường việc, thế là cuối cùng, vòng xoáy luẩn quẩn "việc nhà", "việc nội trợ", "việc không tên" vẫn một tay người phụ nữ, người mẹ quán xuyến hết và vô hình chung tạo điều kiện cho nam giới trong nhà càng thêm không quen việc, không biết việc và cứ thế mãi được thảnh thơi hơn phụ nữ.

Chị H., giáo viên tiểu học được nhiều đồng nghiệp phong cho danh hiệu "người phụ nữ của gia đình", bởi ngoài những giờ dạy học trên lớp, chị tất bật về lo đi chợ, nội trợ, đưa đón con, dạy con học... Hầu như trong những cuộc vui của cơ quan như tiệc tùng, cà phê..., chị H. đều không góp mặt. Thậm chí mọi năm nhà trường tổ chức chuyến tham quan ngoại tỉnh 3 ngày, chị H. cũng đắn đo, phải đến lúc công đoàn vận động lắm, chị mới gượng ký vào danh sách đồng ý tham gia.

Chị Th., viên chức Nhà nước trò chuyện, thật ra đàn ông vẫn có thể làm việc nhà, nội trợ, nấu ăn ngon không kém. Trong đợt bị nhiễm COVID-19, chị Th. phải cách ly gần 10 ngày. Thế nhưng, chồng chị cùng con vẫn lo chu toàn việc nhà, chị vẫn được phục vụ tận phòng cơm nước ngày 3 bữa đủ chất, ngon miệng.

Qua câu chuyện của chị Th. và nhiều chị em cùng chung cảnh ngộ để thấy, nguyên nhân một phần do truyền thống, hoàn cảnh "tập hư" đàn ông và có khi cũng chính vì người phụ nữ không can đảm thoát khỏi vai trò "người quan trọng" của gia đình và chưa biết trân trọng giá trị bản thân, sức khỏe để giải phóng sức lao động, giành thời gian để hưởng thụ cuộc sống.

Một khi công việc gia đình được phân chia, san sẻ đồng đều, thuận tiện, hợp lý giữa các thành viên trong gia đình, người phụ nữ có thể phát huy được sở trường, năng lực để cống hiến cho xã hội, được học tập, nâng cao trình độ, kiến thức để càng củng cố nhiệm vụ vì sự tiến bộ của phụ nữ, đảm bảo bình đẳng trong mọi vị trí công việc từ chính trị đến kinh tế-xã hội. Qua đó, còn giúp người phụ nữ tự tin, sống lành mạnh và đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao hơn.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên