Không chỉ hỗ trợ vốn, NHCSXH còn có nhiều hoạt động tiếp sức cho các học sinh, viên sinh khó khăn
Tiếp sức
Năm 2020, khi con gái có thông báo đậu đại học, hai vợ chồng chị Trần Thị Thanh Thủy, thôn La Vân Hạ, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền vừa mừng, vừa lo. Mừng vì con bước vào cánh cửa đại học, thực hiện được ước mơ của con. Nhưng nghĩ đến số tiền học phí phải nộp, tiền chi phí hàng tháng cho con, rồi còn đứa em đang trong tuổi đến trường, hai vợ chồng lại như “ngồi trên đống lửa”.
Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quảng Điền, chị Thủy được vay số tiền 87,5 triệu đồng với thời hạn 93 tháng (từ tháng 5/2021 đến tháng 2/2029) cho 2 đứa con ăn học. Lúc ấy, chị mới thấy nhẹ gánh lo. Hiện, NHCSXH huyện Quảng Điền đã giải ngân cho gia đình 3 đợt với số tiền 37,5 triệu đồng.
Theo chị Thủy, gia đình thuộc hộ cận nghèo, nên việc cho con ăn học đến nơi đến chốn khá khó khăn. Nếu không vay được vốn ưu đãi, chắc các con chị không thể tiếp tục đến trường. Giờ chỉ hy vọng hai cháu chăm ngoan, học giỏi, ra trường có việc làm ổn định và phụ giúp ba mẹ trả nợ…
Không riêng gia đình chị Thủy, rất nhiều HSSV đã được nguồn vốn tín dụng cho HSSV tiếp sức. Với mục tiêu không để HSSV bỏ học giữa chừng vì lý do khó khăn về tài chính, 15 năm qua, NHCSXH huyện Quảng Điền phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tích cực tuyên truyền và triển khai thực hiện chương trình tín dụng, giúp hàng nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện được “tiếp sức” đến trường.
Ông Lê Vinh, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quảng Điền cho biết, nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ cho các HSSV có hoàn cảnh khó khăn, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể, đội ngũ tổ trưởng tổ TK&VV ở địa phương kịp thời nắm bắt thông tin, hướng dẫn thủ tục vay vốn. Quá trình bình xét đối tượng cho vay được thực hiện công khai, minh bạch; tuyên truyền, vận động và đôn đốc hộ vay trả nợ gốc và lãi đúng hạn; đồng thời, rà soát kỹ lưỡng các đối tượng đủ điều kiện vay vốn để giải ngân. Từ đó, tạo thêm nhiều cơ hội cho gia đình HSSV có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận nguồn vốn, trang trải chi phí học tập với doanh số cho vay trong 15 năm qua hơn 76,1 tỷ đồng, với 3.901 hộ được vay vốn (4.833 HSSV). Trong đó, năm 2021, giải ngân gần 1 tỷ đồng, dư nợ cho vay chương trình HSSV là 3,2 tỷ đồng, hơn 151 hộ vay với 175 HSSV.
Giảm gánh nặng
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tăng mức vay vốn tối đa là 4 triệu đồng/tháng/HSSV. So với mức cũ áp dụng từ 1/12/2019 (2,5 triệu đồng/tháng/ HSSV) thì mức cho vay tối đa đối với HSSV tăng thêm 1,5 triệu đồng/tháng/HSSV. Mức vay vốn tối đa được điều chỉnh khá phù hợp với lộ trình tăng học phí, chi phí sinh hoạt, góp phần giảm áp lực cho các hộ gia đình có con, em đang theo học tại các trường.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh chia sẻ, tín dụng chính sách HSSV thể hiện tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế nhằm phục vụ phát triển và nâng cao vị thế của đất nước. Để chương trình tín dụng thực sự là bà đỡ cho HSSV trong suốt quá trình học tập, NHCSXH tỉnh bám sát sự chỉ đạo của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH Thừa Thiên Huế, phối hợp tốt với các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình này.
Nhờ thực hiện tốt chương trình, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với HSSV nhanh chóng đến tận tay đối tượng thụ hưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các HSSV có hoàn cảnh khó khăn để đóng học phí và trang trải các chi phí liên quan đến học tập trong thời gian theo học ở trường, giúp cho nhiều HSSV thuộc hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn không phải bỏ học.
Hiện, hệ thống công nghệ thông tin quản lý dữ liệu của NHCSXH được hiện đại hóa và liên thông trên toàn quốc, giúp việc chuyển trả nợ thuận tiện, qua đó có thể cung cấp các thông tin liên quan đến sinh viên vay vốn cho các nhà trường để cùng phối hợp thực hiện, cũng như quản lý đối tượng vay vốn và sử dụng vốn tốt hơn trong thời gian tới.
Năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022, NHCSXH Thừa Thiên Huế đã giải ngân cho 638 khách hàng vay vốn để trang trải chi phí học tập cho 638 HSSV, với số tiền 13.256 triệu đồng; trong đó năm 2021 là 12.248 triệu đồng, với 583 HSSV được vay vốn; 2 tháng đầu năm 2022 là 1.008 triệu đồng, với 55 HSSV được vay vốn.
Bài, ảnh: Hoàng Loan