Mô hình nuôi trồng thủy hải sản cho thu nhập cao
Mở rộng quy mô, số lượng
Theo Bí thư Huyện đoàn Phú Lộc - Hoàng Trần Quốc Phú, Đoàn cơ sở các ban, ngành chức năng của huyện thường xuyên phối hợp với tổ chức Đoàn các xã, thị trấn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, giúp họ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên. Nhờ đó, thanh niên địa phương đã dám nghĩ, dám làm, dám mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế.
Từ phong trào “Thanh niên xung kích phát triển kinh tế” do tổ chức Đoàn địa phương phát động, sau khi nghiên cứu, anh Trần Phước, ở thôn Hiền An 1, xã Vinh Hiền đã đầu tư nuôi hơn 30 lồng cá trên phá Tam Giang - Cầu Hai, với các chủng loại đặc sản cá mú, cá nâu và cá dìa... Được tổ chức Đoàn ở địa phương hỗ trợ về nguồn vốn vay tín chấp, tập huấn quy trình nuôi trồng, anh Phước cần mẫn trong làm ăn nên mô hình nuôi ngày càng thành công, đem lại doanh thu hằng năm từ hơn 500 đến 700 triệu đồng. Anh Phước chia sẻ: “Năm trước thời tiết thuận lợi, với 30 lồng cá nuôi sau khi thu hoạch, trừ chi phí, gia đình lãi ròng khoảng 220 - 300 triệu đồng...”.
Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền - Nguyễn Tam cho hay, tại địa bàn đang xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, trong đó thanh niên tự bỏ ra hàng trăm triệu đồng để tạo hướng làm ăn mới. Cơ sở nuôi trồng thủy hải sản của các đoàn viên Trần Xuân Tàu, Trần Tuấn... đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh ở địa phương.
Phong trào thanh niên xung kích phát triển kinh tế ở Phú Lộc đang tăng nhanh về quy mô, số lượng, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên khắp địa bàn huyện.
Nhân rộng
Để đồng hành cùng thanh niên, hướng thanh niên vào phát triển các mô hình kinh tế theo định hướng của huyện, các cấp bộ Đoàn từ huyện đến cơ sở tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong nhận thức và hành động của đoàn viên thanh niên về vấn đề khởi nghiệp, lập nghiệp. Có thể kể đến như việc tổ chức tập huấn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thành lập các mô hình trang trại trẻ, tổ hợp tác và hợp tác xã thanh niên. Tổ chức Đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và chính quyền địa phương trong việc củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đến nay, tổ chức Đoàn thanh niên trên đia bàn huyện đang quản lý 18 tổ tiết kiệm, vay vốn với tổng dư nợ hơn 22,4 tỷ đồng…
Cơ sở trồng lan Mokara ứng dụng khoa học công nghệ của anh Nguyễn Văn Tuấn, đoàn viên xã Lộc Hòa là điển hình trong hỗ trợ thanh niên đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp. Với chi phí đầu tư hơn 300 triệu đồng, vườn lan này áp dụng hệ thống tự động hóa toàn bộ khâu chăm sóc. Nắm bắt được thị trường hoa tươi, các loại lan ở đây cung cấp có giá thành rẻ, được thị trường ưa chuộng, nên đầu ra sản phẩm ổn định. Ước tính mỗi năm cơ sở này có nguồn thu sau khi trừ chi phí cho lãi ròng 120 - 150 triệu đồng.
Anh Hoàng Trần Quốc Phú cho rằng, phát triển kinh tế cho thanh niên sẽ đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện Phú Lộc, đưa phong trào hoạt động Đoàn thiết thực hướng đến chung tay xây dựng cực tăng trưởng phía nam của tỉnh. Huyện đoàn xây dựng quy chế phối hợp với chính quyền các cấp, các ban, ngành trên địa bàn huyện hỗ trợ các hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp trong thanh niên; đồng thời cung cấp kiến thức khởi nghiệp, tìm kiếm, tôn vinh những ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của thanh niên để áp dụng vào các mô hình phát triển kinh tế của huyện.
Bài, ảnh: Bá Trí