Trải nghiệm thực tế các giờ học lịch sử địa phương của Trường THCS Trần Cao Vân

Bồi dưỡng tình yêu quê hương

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, trước đây, chương trình GDĐP mỗi năm chỉ có 1 - 2 tiết học, nay là môn học bắt buộc, phải xây dựng đủ 35 tiết/khối/lớp (tương đương 1 tiết/tuần). Giáo trình được biên soạn mỗi khối lớp có 1 cuốn tài liệu. Chương trình GDĐP cấp THCS được thiết kế theo các chủ đề và dựa trên các mạch kiến thức lịch sử - văn hóa, địa lý - môi trường, kinh tế - chính trị - xã hội và được tích hợp trong tài liệu giáo dục địa phương các lớp (từ lớp 6 đến lớp 9).

Cũng theo ông Tân, việc triển khai tổ chức biên soạn chương trình GDĐP, đưa vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông toàn tỉnh, góp phần bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa Huế, xây dựng văn hóa, kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển. Quá trình biên soạn tài liệu địa phương, ngành GD&ĐT kết hợp từ hai phía, đó là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, khoa học chuyên trách trong lĩnh vực xuất bản sách và mời các nhà nghiên cứu văn hóa Huế; các nhà nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa - xã hội - kinh tế của Huế; các giảng viên chuyên ngành sư phạm Huế để cùng tham gia biên soạn và thẩm định.

Em Đỗ Ngọc Phương, học sinh lớp 6 Trường THCS Hùng Vương cho biết: “Em rất thích những giờ học giáo dục địa phương, bởi kiến thức là những điều gần gũi với cuộc sống xung quanh. Hiểu biết hơn về nơi mình sinh sống, em càng thấy tự hào và quyết tâm học tập tốt để góp phần xây dựng quê hương”.

Không bỡ ngỡ và lúng túng

GDĐP áp dụng các phương pháp tích cực hóa hoạt động của học sinh, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh. Các hoạt động học tập của học sinh bao gồm khám phá vấn đề, luyện tập và thực hành, được thực hiện với sự hỗ trợ của thiết bị dạy học đặc biệt là công nghệ thông tin, thông qua một số hình thức: học lý thuyết, trải nghiệm, tham quan... Tùy theo mục tiêu và tính chất của hoạt động, học sinh được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp nhưng phải bảo đảm mỗi học sinh được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế.

Nhiều giáo viên mà chúng tôi có dịp tiếp xúc gần đây cho biết, mặc dù mới trở thành một bộ môn chính thức, nhưng trước đây những nội dung này đã được lồng ghép vào các môn học thuộc lĩnh vực xã hội nên giáo viên cũng không bỡ ngỡ. Mặt khác, theo phản hồi của giáo viên và học sinh tài liệu GDĐP hiện hành ngoài việc bám sát chương trình của Bộ GD&ĐT, hệ thống đầy đủ kiến thức địa phương của Thừa Thiên Huế, còn góp phần làm sáng tỏ nhiều nội dung liên quan đến từng lĩnh vực của 3 bộ môn ngữ văn, lịch sử, địa lý trong tổng thể quá trình phát triển của vùng miền và đất nước.

Theo cô giáo Phạm Thị Mỹ Hạnh, giáo viên dạy sử Trường THCS Chu Văn An (TP. Huế), cách đánh giá cho chương trình GDĐP đối với lớp 6 sẽ tăng kích thích và hứng thú cho giáo viên và học sinh. Trước đây, không được đánh giá đúng mức, nhiều khi những tiết học về địa phương còn xem nhẹ. Chỉ có 1- 2 tiết cho 1 năm học và các tiết học thường được đưa vào chương trình học cuối năm. Năm nay, GDĐP được đánh giá như một môn học, đều có các cột điểm. Chương trình GDĐP sẽ chất lượng và mang tính giáo dục cao hơn, buộc giáo viên phải đầu tư và chuyên tâm hơn trong giảng dạy.

Vẫn còn bất cập

Nội dung giáo dục địa phương bắt đầu thực hiện đối với lớp 6, từ năm học 2021-2022, tuy là một môn học nhưng có đến 7 phân môn khác nhau, bao gồm: Ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, âm nhạc, mỹ thuật, sinh học và được phân bổ 35 tiết/năm học. Như vậy, môn nội dung GDĐP có tới 7 giáo viên cùng luân phiên dạy, với 35 tiết và kết quả lại là chung thì rõ ràng môn học này rất phức tạp.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022 và hướng dẫn về nội dung giáo dục địa phương như sau: “Giáo viên dạy học chủ đề nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với chủ đề đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các chủ đề đã dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá”.

Theo hướng dẫn của Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, đối với môn giáo dục địa phương thì phân môn âm nhạc và mỹ thuật được đánh giá bằng nhận xét, các phân môn còn lại thì đánh giá bằng điểm số kết hợp với nhận xét. Điều này dẫn đến rắc rối, khi đánh giá kết quả học tập. Còn đối với bài kiểm tra định kỳ (2 cột điểm) thì phân chia như thế nào khi phân môn lịch sử, địa lý… làm tự luận và trắc nghiệm; trong khi phân môn mỹ thuật thì vẽ trên giấy, phân môn âm nhạc là hát thì tỉ lệ số điểm phải tính sao cho phù hợp?

Đó là một vài vấn đề đặt ra trong việc đưa chương trình GDĐP vào tiết học bắt buộc đối với học sinh cấp THCS. Từ thực tế ở Trường THCS Hùng Vương, cô Mai Thị Thúy, Hiệu trưởng cho biết, đây là tuần đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục địa phương vào giảng dạy cho học sinh lớp 6. Trong vòng 6 tuần để kết thúc năm học, nhà trường sẽ chắt lọc nội dung cơ bản để chuyển tải đến cho các em. Có 5 chủ đề ở các bộ môn, văn học, giáo dục công dân, sử, địa lý, âm nhạc... nên trường thiếu giáo viên sử, địa lý. Nhà trường sẽ phải cân đối giáo viên cho phù hợp, bố trí giáo viên ở các bộ môn khác tham gia giảng dạy, tất nhiên, có sự hỗ trợ của tổ chuyên môn.

Bài, ảnh: Huế Thu