Các đối tượng tại phiên tòa

TAND Thừa Thiên Huế vừa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet chiếm đoạt tài sản” đối với Lê Anh Tuấn (SN 1989), trú tại phường 1, thị xã Quảng Trị và hai đồng phạm là Nguyễn Ngọc Thành (SN 1989), trú tại phường 3, thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị); Nguyễn Tuấn Dũng (SN 1994), trú tại Đức Lâm, Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Lê Anh Tuấn là cử nhân công nghệ thông tin nên có kiến thức về lập trình website. Để có tiền tiêu xài cá nhân, Tuấn nảy sinh ý định lập các trang website giả chuyển tiền nhanh để chiếm đoạt tiền của những người bán hàng trên website mua bán trực tuyến. Khoảng thời gian từ đầu năm 2019, Tuấn cùng với Thành và Dũng thuê nhà trọ tại một chung cư ở TP. Huế để thực hiện các hành vi lừa đảo.

Các đối tượng đã lập tài khoản facebook ảo vào các diễn đàn, hội nhóm tìm kiếm thông tin của những người bán hàng online; nhắn tin đặt mua hàng và chủ động đề nghị thanh toán trước qua tài khoản ngân hàng.

Lấy lý do đang ở nước ngoài, chỉ chuyển tiền được qua các dịch vụ trung gian, bọn chúng yêu cầu bị hại truy cập vào website: http://www.westerns-unions.com/un nhập thông tin user, mật khẩu, mã OTP để làm thủ tục nhận tiền. Hoặc các đối tượng sử dụng sim điện thoại rác và máy tính chỉnh giọng nói giả mạo nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo bị hại đã nhận được một số tiền và yêu cầu cung cấp thông tin user, mật khẩu, mã OTP để xác nhận tiền.

Khi đủ thông tin tài khoản, nhóm đối tượng đăng nhập vào website thật của ngân hàng để thực hiện lệnh chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản bị hại đến các tài khoản của đối tượng để chiếm đoạt. Sau khi lừa đảo trót lọt, Tuấn trả công cho Dũng và Thành 10-50% số tiền lấy được, cả nhóm dùng tiền để tiêu xài, mua sắm đồ hiệu, đánh bạc.

Kết luận điều tra cho thấy, Lê Anh Tuấn đăng ký tài khoản ở nhiều ngân hàng, sau khi lấy được tiền từ nạn nhân sẽ chuyển qua nhiều tài khoản sau đó mới rút. Thống kê từ cơ quan điều tra, hơn 300 nạn nhân đã sập bẫy đường dây này. Có người bị lừa từ vài triệu cho đến vài trăm triệu đồng. Từ tháng 10/2019 cho đến khi bị bắt, nhóm của Tuấn đã lừa đảo chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng trên phạm vi toàn quốc.

Cũng trong khoảng thời gian này, mặc dù đã có vợ và 2 con nhỏ nhưng Tuấn gần như biệt tích và không liên lạc với gia đình, khi có tiền từ chiếm đoạt của các bị hại, Tuấn chỉ gởi về cho vợ con số tiền nhiều nhất là 5 triệu đồng, và một số lần khác chỉ vài trăm đến một triệu đồng.

Diễn biến tại phiên xét xử, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, hành vi các bị cáo rất tinh ranh, có tính chất chuyên nghiệp vì số tiền gần 3 tỷ đồng mà Lê Anh Tuấn và đồng phạm chiếm đoạt chỉ là phần chứng cứ vững chắc, cho rằng số tiền thực tế chiếm đoạt chắc chắn còn lớn hơn.

Luật sư bảo vệ cho bị cáo Lê Anh Tuấn thừa nhận các cáo buộc mà phía Viện Kiểm sát đưa ra cho thân chủ mình, tuy nhiên đề nghị không đưa nội dung “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” vào vụ án, tuy nhiên đề nghị này đã bị phía Viện Kiểm sát bác bỏ.

Nói lời sau cùng, các bị cáo bày tỏ hối hận, mong được HĐXX cho mức án nhẹ nhất để các bị cáo sớm trở về cuộc sống bình thường, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Sau thời gian nghị án, HĐXX đã tuyên phạt Lê Anh Tuấn 13 năm sáu tháng tù giam, Nguyễn Tuấn Dũng 10 năm tù và Nguyễn Ngọc Thành 4 năm 6 tháng tù.

Bài, ảnh: Thái Sơn