Kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phải chú trọng từng chi tiết

Khách hàng tham gia đánh giá

Theo tính toán của các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình đào tạo chuyển đổi số do Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, chi phí kinh doanh trên sàn TMĐT (bao gồm giao hàng) chiếm dưới 15% lợi nhuận, có nhiều sàn TMĐT chỉ giao động ở mức 5%, 2%, 1%; thậm chí 0%. Trong khi đó, trung bình 1 DN hoạt động kiểu truyền thống chi phí thuê mặt bằng đã chiếm 15-20%, chưa tính các chi phí khác. Lợi thế chi phí, mua hàng không giới hạn không gian địa lý chính là ưu thế lớn của TMĐT. Với sự tiện lợi, tiết kiệm chi phí này, nhiều cửa hàng, DN lựa chọn bán hàng trên các sàn TMĐT làm phương tiện kinh doanh chính thay vì bán hàng theo kiểu truyền thống.

Tuy nhiên, trên các sàn TMĐT nhiều “hạt sạn” vẫn xuất hiện, khiến khách hàng mất lòng tin vào mua sắm online. Câu chuyện mới đây của cô bạn cùng lớp khi mua hàng trên sàn TMĐT phần nào chứng minh nhiều cá nhân, đơn vị kinh doanh trên sàn vẫn xem thường “thượng đế” của mình. Cụ thể, khi cô bạn đặt hàng một đôi giày thể thao màu trắng, size 35 trên một trang bán hàng của Lazada cho con gái, nhưng khi nhận hàng đôi giày lại có màu hồng và size 38. Dù nhiều lần liên hệ với đơn vị bán hàng nhưng “bặt vô âm tín”.

Để phần nào “xả” cơn giận, cô bạn vào mục đánh giá sản phẩm và đánh giá dịch vụ của shop 1 sao tương đương mức đánh giá dịch vụ “quá tệ”. Với nhiều người, việc đánh giá mức độ hài lòng thật sự “vô bổ”, nhưng thực tế việc đánh giá mức độ hài lòng của khách hàng mà hầu hết các trang TMĐT đã triển khai phần nào quyết định lượng khách tìm đến với gian hàng. Vì rất nhiều khách hàng có thói quen vào mục đánh giá sản phẩm và xem đánh giá người khác trước khi ra quyết định chọn mua sản phẩm.

Việc đánh giá sản phẩm dịch vụ 1 sao như câu chuyện của cô bạn sẽ tác động rất lớn đến uy tín của cửa hàng, làm giảm sút đáng kể doanh số của cửa hàng, chưa kể, sàn TMĐT có thể phạt người bán bằng cách giảm thứ hạng hiển thị sản phẩm khi có nhiều đánh giá không tích cực.

Câu chuyện “ăn xổi” của chủ shop nọ có lẽ vẫn tồn tại khá nhiều và không ít khách hàng cũng đôi lần cảm giác khó chịu khi gặp phải cửa hàng bán hàng theo kiểu “trời ơi” này và chắc chắn người mua đã “bị lừa” ấy sẽ không quay lại cửa hàng lần nữa.

Chuẩn hóa dịch vụ

Đó cũng là lý do trong suốt quá trình tiếp xúc với các DN khi tham gia chương trình đào tạo thúc đẩy thương mại điện tử, Nguyễn Đức Tùng, Giám Đốc X10 Digital luôn nhấn mạnh, DN khi kinh doanh trên sàn TMĐT phải lấy uy tín, chất lượng sản phẩm làm đầu. Sản phẩm tốt bạn mới tự tin bán chạy và không bị chùng chân mỗi khi chạy chiến dịch marketing để thu hút khách hàng. Sản phẩm tốt còn giúp xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin và tăng tỷ lệ quay trở lại gian hàng. Cùng với việc đầu tư cho các khâu đi kèm từ đóng gói, mẫu mã sản phẩm, giao hàng sẽ là yếu tố thu hút lượng đánh giá sản phẩm và gian hàng tốt hơn. Còn uy tín cửa hàng sẽ giúp duy trì kết nối và tăng tỷ lệ quay lại gian hàng của khách hàng.

Ngoài ra, việc chăm chút cho sản phẩm khi lên sàn từ mẫu mã đến cách thức bố trí, trình bày gian hàng cũng tạo được sức hút không nhỏ cho sản phẩm bởi hình ảnh là một trong những thứ đầu tiên mà khách hàng của bạn nhìn thấy khi bấm nút tìm kiếm.

Theo Nguyễn Đức Tùng, đã qua rồi thời kinh doanh trên sàn theo kiểu ăn “xổi”, làm cho có, bởi mức doanh thu mang lại sẽ tỷ lệ thuận với mức độ đầu tư cho sản phẩm, gian hàng. Vì thế, khi kinh doanh trên sàn, DN phải thực sự quyết tâm và coi đây là kênh bán hàng chủ lực.

“Đó cũng là lý do khi bắt đầu vào khóa đào tạo kinh doanh trên sàn TMĐT, mình luôn yêu cầu các học viên phải cam kết và quyết tâm theo chương trình đào tạo đến cùng. Vì chỉ có hoàn thiện từng khâu trong quá trình bán hàng từ khâu lựa chọn kênh TMĐT phù hợp, xây dựng gian hàng, trang trí gian hàng. Sau đó là các chiến lược kinh doanh trên các sàn chủ lực như Shopee, Lazada, Tiki trên cơ sở nghiên cứu đối thủ, nghiên cứu ngành để chọn phân khúc giá và sản phẩm phù hợp. Khi quy trình đã được chuẩn hóa, thì DN chỉ cần tập trung vào khâu tiếp thị và chăm sóc khách hàng thật tốt là có thể chiến thắng trên các sàn TMĐT", Nguyễn Đức Tùng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Hoàng Loan