Dạy trẻ khuyết tật ở Trường tiểu học Thuận Thành
Khó vận động học sinh khuyết tật đến trường
Cách đây tầm 1 năm, trong một lần làm việc với lãnh đạo tỉnh, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo ngạc nhiên chia sẻ, ở Huế có những lớp dạy trẻ khiếm thị hòa nhập ngay trong trường tiểu học, từ đó xuất hiện nhiều giáo viên chuyên biệt rất đặc biệt. Ngạc nhiên là vì đội ngũ giáo viên chưa qua trường lớp đào tạo dành cho trẻ khuyết tật, song bằng cái tâm, cái tài đã giúp nhiều học sinh tiến bộ vượt bậc. Thực tế, các cô đã có sự thích ứng linh hoạt khi soạn nhiều giáo án phù hợp với năng lực, sức khỏe của mỗi em.
Phụ huynh muốn tận dụng “thời điểm vàng” để các em nhanh phục hồi, nhưng lại từ chối khi giáo viên đến vận động các em ra lớp. Từ trước đến nay, các trường chưa tính đến điều kiện cho học sinh khuyết tật theo học nên gần như không có lối đi hay công trình vệ sinh dành riêng cho học sinh khuyết tật vận động. Các trường cũng chưa có phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập và còn thiếu các phương tiện, thiết bị hỗ trợ cho trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ. Bên cạnh đó, các trường hầu như không có kinh phí để bảo dưỡng, lại nhiều em sử dụng nên máy móc nhanh xuống cấp. Mặt khác, nhận thức của cha mẹ trẻ khuyết tật trong can thiệp, hỗ trợ giáo dục hòa nhập còn hạn chế. Nhiều gia đình có con tự kỷ, chậm phát triển nhưng không đưa con em đi khám để xác định dạng dị tật làm căn cứ để nhà trường đảm bảo chế độ cho học sinh theo quy định của Luật Người khuyết tật. Một số phụ huynh cũng chưa phối hợp với nhà trường để giúp trẻ hòa nhập tốt, thậm chí cho con đi học một thời gian lại bỏ.
Cô Võ Thị Tú Khanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Thành (TP. Huế), chia sẻ: Trường có 78 học sinh khuyết tật (26 em hòa nhập & 52 em chuyên biệt/3 lớp), số học sinh quá đông, cơ sở vật chất chưa đủ để đáp ứng. Các em vẫn phải đối mặt với một số rào cản để giáo dục hòa nhập, đặc biệt là thiếu các cơ sở vật chất, trường chuyên biệt, chuyên ngành và đào tạo cho giáo viên. Mặt khác, còn quá nhiều trẻ em khuyết tật không được tới lớp học, không hoàn thành chương trình tiểu học và không được đảm bảo quyền lợi cơ bản của các em.
Quy hoạch mạng lưới trường lớp
Trăn trở của cô Khanh cũng là vấn đề đặt ra của ngành giáo dục Thừa Thiên Huế. Mô hình dạy học sinh khuyết tật hòa nhập dẫu có nhiều ưu điểm, nhưng không thể kéo dài vì sẽ ảnh hưởng đến các em và những học sinh khác, nhất là trong chương trình giáo dục phổ thông mới có rất nhiều hoạt động trải nghiệm. Đã đến lúc, giáo viên dạy các em không chỉ có kỹ năng mà cần kỹ thuật giảng dạy cũng như sự phối hợp, chia sẻ trong việc can thiệp sớm từ các bậc phụ huynh...
Đề án hỗ trợ phát triển giáo dục học sinh khuyết tật trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030 đã được xây dựng nhằm đảm bảo các điều kiện cho học sinh khuyết tật hưởng những quyền giáo dục cơ bản là dấu hiệu đáng mừng. Trước đây, trong một lần khảo sát, ngành giáo dục cho biết vẫn còn trên 300 em khuyết tật chưa đến trường do phụ huynh không yên tâm về môi trường học tập.
Trước mắt, tuyên truyền vận động phụ huynh đưa trẻ khuyết tật đến trường và phối hợp chăm sóc, giáo dục, tạo điều kiện cho các em hòa nhập tốt nhất được đặt lên hàng đầu. Tiếp đến cần đa dạng hóa các hình thức học tập cho học sinh khuyết tật cũng như thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục. Điều này đồng nghĩa với việc các huyện, thị xã, TP. Huế phải quy hoạch mạng lưới trường, lớp dành cho học sinh khuyết tật từ mầm non đến trung học phổ thông và được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, đảm bảo để tổ chức chăm sóc, giáo dục cho học sinh khuyết tật. 100% cơ sở giáo dục xây dựng mới theo hướng phải bảo đảm điều kiện cho học sinh khuyết tật sử dụng được. Điều mọi người mong đợi là sẽ có 1 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục học sinh khuyết tật sẽ được xây dựng. Mạng lưới tư vấn hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, giáo dục bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt sẽ được thiết lập…
Theo lãnh đạo ngành giáo dục, mô hình giáo dục hòa nhập và giáo dục bán hòa nhập cho học sinh khuyết tật từ cấp học mầm non đến phổ thông sẽ được phát triển, đảm bảo học sinh khuyết tật được đến trường liên tục khi hoàn thành chương trình của từng cấp học, thực hiện mục tiêu xóa mù chữ cho học sinh khuyết tật. Tất nhiên, 100% các cơ sở giáo dục có học sinh khuyết tật sẽ được cung cấp đầy đủ chương trình, tài liệu, học liệu phục vụ công tác chăm sóc, giáo dục học sinh khuyết tật. Nguồn lực xã hội hóa chăm lo cho học sinh khuyết tật sẽ được đẩy mạnh. Các hình thức giáo dục cho học sinh khuyết tật ngày càng phát triển và được đa dạng hóa.
Việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp học sinh khuyết tật cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền sẽ tạo cơ hội bình đẳng và điều kiện thuận lợi để học sinh khuyết tật tiếp cận, thụ hưởng các thành quả phát triển kinh tế - xã hội cũng như khẳng định vị thế của học sinh khuyết tật trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, việc huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện đề án vẫn là vấn đề nan giải trong tình hình hiện nay.
Bài, ảnh: Huế Thu