Ngay sau ngày 30/4/1975, Bưu chính Việt Nam chưa kịp phát hành tem về sự kiện này, nhưng những phong bì tem đã ra đời, ghi nhận sự kiện trọng đại, trở thành cầu nối giữa hai miền Nam Bắc, một cánh thư đã được chuyển giữa hai đầu đất nước thông suốt bằng đường bưu điện.

 

Trên phong bì tem có dấu kỷ niệm nội dung “Hoan hô miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng-Hà Nội. 1/5/1975”. Dấu bưu chính màu đen nội dung “Hà Nội-Việt Nam-1/5/1975”, ngày đầu tiên sau chiến thắng 30/4.

Năm 1976, bộ tem đầu tiên về Tổng tiến công Xuân 1975 do Bưu chính Việt Nam phát hành ra đời. Bộ tem gồm 6 mẫu, do họa sĩ Trịnh Quốc Thụ, Trần Lương, Trần Ngọc Uyển thiết kế. Trên sáu con tem đều có hình ảnh về 3 chiến dịch trong cuộc Tổng tiến công năm 1975: “Giải phóng Buôn Ma Thuột” (2 mẫu), “Giải phóng Đà Nẵng” (2 mẫu); “Giải phóng Sài Gòn” (2 mẫu). Đó là những chiến công vang dội, làm nên thắng lợi quyết định của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 với phương châm: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

Trong dòng tem Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1970 – 1976), ngày 01/5/1976, phát hành tem “Kỷ niệm 1 năm miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng”, do họa sĩ Đỗ Việt Tuấn thiết kế với hình ảnh Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và dòng chữ “Miền Nam hoàn toàn giải phóng”. Đây là một trong ba bộ tem cuối cùng của dòng tem Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tháng 6/1976, bộ tem “Quốc Hội nước Việt Nam thống nhất họp kỳ đầu tiên” phát hành, đánh dấu mốc dòng tem này đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, hòa vào dòng tem chung của Bưu chính Việt Nam.

Năm 1980, trong bộ tem kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-1980), có một mẫu về “Chiến thắng 30/4/1975” do họa sĩ Nguyễn Hiệp thiết kế, trên tem là hình ảnh bản đồ Việt Nam và những chiến sĩ giải phóng, xe tăng đang tiến vào dinh Độc Lập. Đây là bộ tem đoạt giải cuộc thi vẽ mẫu tem.

Năm 1985, bộ tem kỷ niệm 40 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-1984) được phát hành với bảy mẫu tem trong đó có mẫu tem về ngày 30/4 “Tiến vào Dinh Độc Lập” do họa sĩ Nguyễn Hiệp thiết kế, hình ảnh xe tăng hất đổ cổng dinh Độc Lập báo hiệu sự cáo chung của chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Cũng trong năm này, kỷ niệm 10 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, Bưu chính Việt Nam cho ra đời bộ tem 4 mẫu và 1 blốc do họa sĩ Huy Toàn thiết kế với các chủ đề: “Tiến công thần tốc”; “Giải phóng hoàn toàn”; “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”; “Hoàn toàn thống nhất”. Bộ tem ghi lại sự kiện trọng đại đánh dấu bước chuyển mình, sang trang mới của lịch sử dân tộc từ sau ngày 30/4/1975.

Năm 1987, trong bộ tem “Kỷ niệm những ngày lịch sử” do họa sĩ Ngô Mạnh Lân thiết kế được phát hành, cùng với những ngày kỷ niệm lớn của dân tộc như: “Ngày 19/8/1945”; “Ngày 2/9/1945”; “Ngày 7/5/1945”: “Ngày 30/4/1945” là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Tem nằm trong bộ mẫu đoạt giải cuộc thi vẽ mẫu tem.

Năm 1995, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Bưu chính Việt Nam phát hành bộ tem 6 mẫu do họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn thiết kế, một trong 6 mẫu là tem “Kỷ niệm 20 năm thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Hình ảnh Bác Hồ, chợ Bến Thành được họa sĩ chọn làm biểu tượng của hòa bình, thống nhất.

Năm 2000, một năm đánh dấu bước chuyển giao thế kỷ, bộ tem “Vit Nam vi thế k XX” do họa sĩ Vũ Kim Liên thiết kế ra đời với 6 mẫu và 1 blốc, mẫu thứ 3 trong bộ tem về 2 chiến thắng lớn của dân tộc: “Chiến thng Đin Biên Ph; gii phóng min Nam, thng nht đt nước”. Hình ảnh về chiến thắng 30/4 trên nền biểu tượng cánh chim câu là khát khao của tự do và hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Bài, ảnh: Hoàng Liên