Các lễ hội truyền thống của đồng bào A Lưới là tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch. Ảnh: Quốc Tuấn

Lịch sử con đường bắt đầu từ năm 1959. Sau ngày “Đồng khởi”, Bác Hồ và Trung ương Đảng ra lệnh mở đường Trường Sơn để phục vụ nhiệm vụ chiến lược. Ngày 19/5/1959, tiểu đoàn giao liên 301 được thành lập. Đường 559 (tháng 5 năm 59) ra đời. Ta gọi là đường Trường Sơn, theo tên dãy núi mà con đường đi qua. “Đường mòn Hồ Chí Minh” là cách gọi của người Mỹ. Nó không chính xác bởi “đường mòn” sau giai đoạn ngắn ban đầu đã phát triển thành hệ thống đường rộng lớn. Người ta tính rằng, cho đến khi kết thúc chiến tranh, bộ đội Trường Sơn mở được 16 ngàn cây số đường xe lửa và nếu tính cả đường giao liên cho người đi bộ, đường Trường Sơn dài hơn 20 ngàn cây số. Trong suốt 3.920 ngày đêm đánh Mỹ, bộ đội ta vận chuyển 454.740.000 tấn vũ khí, lương thực, đạn dược và 57.920.000 tấn xăng dầu chi viện cho miền Nam. Kẻ thù dội hơn 3 triệu tấn bom đạn. Các chiến sĩ công binh và thanh niên xung phong phá 12.600 trái bom từ trường và 85.000 bom mìn các loại. Bộ đội Trường Sơn đánh 1.355 trận lớn nhỏ, bắt 18.740 tên địch, bắn rơi 2.455 máy bay. Hai vạn chiến sĩ đã ngã xuống trên đường Trường Sơn huyền thoại. Con số thống kê xúc động lòng người!
Trước mắt tôi bấy giờ, đường mòn Hồ Chí Minh đi qua địa phận huyện A Lưới thật đúng với những gì tưởng tượng. Đó là con đường dài hun hút, ngoằn ngoèo, lỗ chỗ, dốc đồi. Xen giữa những đoạn đường rải nhựa là đường đất, bụi tung mù mịt khi một xe tải đi qua. Xung quanh bời bời cỏ dại. Trung tâm thị trấn A Lưới như lọt thỏm giữa mênh mông núi rừng. Chợ A Lưới nằm ở ven đường là những mái tranh lụp sụp, chủ yếu bày bán những sản vật như các loại chuối, thơm hay khoai sắn. Nhớ mãi là hình ảnh buổi sáng ngày đông, bà con các dân tộc ít người gùi các loại cây trái đủng đỉnh đi trên con đường mòn Hồ Chí Minh đến chợ. Họ từ các bản làng xung quanh. Có người thức dậy từ 3 - 4 giờ sáng để đi chợ và trở về nhà vào buổi trưa.
Ôn lại chuyện cũ để thấy rằng, “con đường mòn” được mở ra để đáp ứng cho nhu cầu cuộc kháng chiến kia tưởng cũng sẽ đi vào quên lãng khi hòa bình lập lại nay đã mang một diện mạo mới, đầy khác lạ và hấp dẫn. Thay thế cho hình ảnh về con đường mòn của ngày xưa ấy là hình ảnh một đại lộ Hồ Chí Minh được xem là giao thông huyết mạch và cũng là con đường thứ 2 chạy từ bắc vào nam song cùng với quốc lộ 1A. Đầu năm 2015, tôi có dịp trở lại đường Hồ Chí Minh trong hành trình khảo sát phát triển du lịch ở vùng phía tây tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, hai trong số các địa phương trọng điểm có đường mòn đi qua. Thật khó có thể hình dung về hình ảnh một chiếc xe đời mới lại có thể băng băng và không lấm bụi khi đi qua đường Hồ Chí Minh hôm nay. Riêng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xuất hiện đô thị mới A Lưới từng bước vươn lên mạnh mẽ.
 Các lễ hội truyền thống của đồng bào A Lưới là tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch. Ảnh: Quốc Tuấn
 
Cách nay không lâu, Antonia Bolingbroke-Kent, một nhà văn người Anh, chuyên viết sách về du lịch, quyết định đi du lịch một mình trên một trong những con đường mòn nguy hiểm nhất thế giới này bằng một chiếc Honda Cub bé nhỏ. Sau chuyến đi, cô đã xuất bản cuốn sách với tựa đề “Một chuyến đi ngắn trong rừng: xuyên qua đường mòn Hồ Chí Minh bằng xe máy”. Thông điệp mà nhà văn trẻ người Anh muốn gửi tới mọi người là hãy khám phá và thúc giục những ai đang dự tính khám phá “đường mòn” nên thực hiện sớm. Có thể nói, đó là một ý tưởng hay và trong thực tế, từ nhiều năm nay đó cũng là sự ấp ủ của nhiều dự án phát triển du lịch.
Khái niệm về “du lịch đường mòn Hồ Chí Minh” đang hấp dẫn bao người bởi sự khác biệt và trải nghiệm mới lạ, thú vị đến lạ lùng. Hãy dừng lại ở A Lưới của Thừa Thiên Huế, với sự hấp dẫn được tăng lên bội phần bởi sự góp mặt của “du lịch đường mòn” gắn với di tích lịch sử cách mạng, như đồi Thịt Băm, Km0 đường 71 - đường 14B, ngã ba đường 72 - đường 14B, địa đạo A Đon, động Tiên Công, sân bay A Co, sân bay A Lưới, di tích Dốc Mèo, đồi Con Cọp, di tích Sở Chỉ huy Binh trạm 42, cụm địa đạo Động So - A Túc… Chưa kể, với đường mòn huyền thoại, du khách còn được đắm mình vào dòng suối khoáng A Roàng; chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ, huyền ảo của các con thác Pông Chất, thác A Nôr, thượng nguồn suối Đăq Pling hay suối Pâr Le; cùng trải nghiệm, khám phá sự đa dạng sinh học ở rừng nguyên sinh A Roàng. Chưa hết là tham dự những lễ hội truyền thống A riêu Caar, A riêu Pliing, A riêu Aza; thưởng thức và cùng hòa mình vào những vũ điệu Ri răm, Pa duwrr Yàng đạa, Za zã…
Sinh thời, nhà văn Trung Quốc nổi tiếng Lỗ Tấn có câu nói với đại ý, trên thế giới này làm gì có đường. Người ta đi mãi rồi thành đường đó thôi. Không hẳn là vậy, thời đại của Lỗ Tấn chưa có đường mòn Hồ Chí Minh kỳ lạ và huyền thoại. Trước khi hằn trên mặt đất, đã có một đường mòn Hồ Chí Minh trong ý tưởng của lãnh đạo, trong ý chí và khát vọng thống nhất của mỗi người dân Việt Nam. Để rồi mà con đường thống nhất trong tâm tưởng hơn nửa thế kỷ trước bị kẻ thù chặn lại, thì con đường mòn có dáng hình cụ thể đã được mở ra nơi núi rừng Trường Sơn. Năm tháng chiến tranh, nó là huyền thoại gắn với những sự tích anh hùng, còn hôm nay trong hòa bình, thống nhất, con đường mở ra hướng phát triển mới giúp Việt Nam tiến vào kỷ nguyên hiện đại. Con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại còn là điểm đến du lịch, mang lại cho cho du khách những trải nghiệm khó quên, hiểu hơn về con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ hơn 40 năm về trước.

 

ĐAN DUY