Học sinh cùng phụ huynh tham gia cuộc thi kể chuyện (Ảnh minh họa)
Bạo lực khi thiếu sự quan tâm
Tại hội nghị chuyên đề về nâng cao hiệu quả công tác giáo dục phòng, chống bạo lực học đường do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức, đã chỉ ra nguyên nhân đầu tiên ảnh hưởng đến hành vi bạo lực của học sinh. Đó là sự thiếu quan tâm giáo dục của gia đình. Cha mẹ bận rộn với công việc, mải mê kiếm tiền, không có thời gian quan tâm đến việc học hành, bè bạn của con. Thậm chí, họ không chú tâm giáo dục con cái mà xem việc đó là trách nhiệm của nhà trường. Khi gia đình thiếu sự giao tiếp đầm ấm, cởi mở... thì dẫn đến trẻ cảm thấy bị bỏ rơi, thiếu thốn tình cảm và các em sẽ tìm đến những mối quan hệ khác để bù đắp.
TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý & Giáo dục (Trường ĐHSP – Đại học Huế) cho rằng, nguyên nhân khách quan được nhìn từ nhiều góc độ, trong đó có góc độ gia đình, xã hội và nhà trường. Từ góc độ gia đình, học sinh ít nhận được sư quan tâm của bố mẹ, luôn chịu những áp lực đặt ra từ bố mẹ, hoặc các em thường bị tấn công bởi những lời nói và hành vi bạo lực từ người lớn trong gia đình; thường xuyên bị ông bà, bố mẹ, anh chị em la mắng, đánh đập hay chứng kiến những hành vi bạo lực của các thành viên trong gia đình. Từ đó, tác động tiêu cực và thúc đẩy gia tăng hành vi bạo lực đối với học sinh.
Môi trường xã hội cũng là nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng bạo lực học đường. Đa số những vụ việc bạo lực học đường thường xảy ra với những thanh thiếu niên sống trong cộng đồng dân cư có môi trường sống thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, nghèo khổ, nhiều đối tượng nghỉ học sớm, chơi bời lêu lổng, nơi có nhiều tệ nạn xã hội... Trong khi, các trường còn thiếu các phòng tư vấn tâm lý hoặc có nhưng lại chưa có các chuyên gia được đào tạo bài bản về tham vấn và tư vấn tâm lý.
Khoảng cách giữa bố mẹ và con cái
Nhiều ý kiến tham dự tại hội nghị đã bày tỏ lo lắng, tác động của xã hội đến thế hệ trẻ tạo ra gia tốc phát triển nhanh, mạnh, sự biến đổi sinh lý, tâm lý, xã hội của lớp học sinh ngày nay khác xa với học sinh cách đây 15-20 năm. Cha mẹ, giáo viên không theo kịp sự phát triển của các em nên khoảng cách giữa cha mẹ - con cái, giữa giáo viên - học sinh ngày thêm xa cách. Không hiểu nhau, tin nhau thì thường ứng xử không phù hợp, các tác động giáo dục của người lớn với các em ít hiệu quả.
Khảo sát ở một trường THPT trên địa bàn TP. Huế cho thấy, việc lựa chọn trường (THPT và đại học) của các em có sự tham vấn đáng kể từ bố mẹ. Tuy vậy, độ chênh giữa định hướng của bố mẹ với các em tăng dần từ chọn trường THPT đến đại học. Nếu việc lựa chọn trường THPT để thi tuyển có độ chênh 40% thì độ chênh đó ở lựa chọn trường đại học là 59%. Điều này cũng dễ lý giải bởi các em đã có những suy nghĩ, định hướng và lựa chọn của mình khi bước vào lớp cuối cấp THPT.
Sự phát triển của xã hội, áp lực của học tập khiến thời gian để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau ngày càng ít. Đó là một trong những nguyên nhân khiến con cái ngày càng có những khoảng cách với bố mẹ. Em N.T.H, học sinh Trường THPT H. cho rằng, em luôn mong muốn được gần gũi với bố mẹ, nhưng bố mẹ tự ý sắp đặt tương lai của em. Em muốn học nghề, nhưng gia đình lại muốn em học đại học. Em đã nói chuyện với bố mẹ rồi, nhưng không khả quan.
Cần dành thời gian cho con
Để giải quyết được bạo lực học đường cần có sự chung tay của cả cộng đồng, sự gắn kết giữa giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội. Không có công thức chung cho việc nuôi dưỡng một đứa trẻ, vì mỗi người là một cá thể khác nhau, nhưng có thể có nguyên tắc chung trong việc dành thời gian cho con, tôn trọng và lắng nghe con. Khá nhiều người đồng thuận với ý kiến của TS. Hùng, khi ông cho rằng, gia đình cần quan tâm, chia sẻ nhiều hơn đối với các em, phải nắm bắt được đặc điểm phát triển tâm sinh lý của con mình, phải sử dụng phương pháp giáo dục tích cực, xây dựng môi trường giáo dục gia đình với tình yêu thương, chia sẻ.
Cuộc sống dẫu bận rộn nhưng các bậc phu huynh nên dành thời gian trò chuyện với con, quan sát về những thay đổi hành vi, thay đổi tâm sinh lý của con như thế nào và dành cho các em sự đồng hành yêu thương. Hãy để hạnh phúc của con phải là hạnh phúc của con chứ không phải là hạnh phúc của bố mẹ. Nếu chúng ta làm được điều này may ra mới hạn chế được tình trạng bạo lực học đường, TS. Hùng nhấn mạnh.
Bài, ảnh: AN NHIÊN