Phong phú sản phẩm để doanh nghiệp, người dân tham gia khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Nhiều thành tố đồng hành và hậu thuẫn

Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho rằng, một trong những thuận lợi kích thích hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) ngày càng lan tỏa, đó là cộng đồng doanh nghiệp (DN), các startup không chỉ "tự lực cánh sinh" mà còn được Nhà nước, các tổ chức, dự án trong và ngoài nước rất quan tâm.

Trong đó phải kể đến những chương trình, đề án hỗ trợ KNĐMST được triển khai trên địa bàn trong thời gian qua cũng như cam kết đồng hành trong thời gian tới, như: Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP), Đề án Đổi mới sáng tạo quốc gia (gọi tắt là 844 - ISEV), Quỹ Khởi nghiệp DN khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF), Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh, Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh, Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp...

Không chỉ được hưởng lợi từ những chương trình, đề án trên, với hệ thống các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu trên địa bàn cũng đã thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo và các dự án từ học sinh, sinh viên, giáo viên và giảng viên được phát triển ý tưởng và ươm tạo. Các đơn vị tư vấn, cố vấn liên quan đến kỹ thuật, công nghệ, giải pháp và ứng dụng công nghệ, kết nối thị trường, định vị sản phẩm… vẫn luôn đồng hành hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ cho các dự án khởi nghiệp.

Nhiều công cụ hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, kết nối thị trường... cho những dự án tham gia khởi nghiệp

Một số cơ sở ươm tạo được phát triển trong hệ sinh thái KNĐMST tỉnh trong những năm qua như: Công ty CP Tư vấn và Đầu tư cộng hưởng, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo - Đại học Huế, Trung tâm Đổi mới sáng tạo - Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, Trung tâm KNĐMST Thừa Thiên Huế - Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh, Câu lạc bộ Khởi nghiệp Huế... được xem là "cánh tay nối dài" giúp đỡ, hỗ trợ, tư vấn và định hướng cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp phát triển đúng hướng, phù hợp thị trường để từ đó nâng cao năng lực, tiến đến thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ.

Ngay cả các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ cũng luôn đồng hành, tích cực tham gia hưởng ứng thông qua các chương trình kết nối giữa DN đang phát triển và thanh niên khởi nghiệp; kết nối các câu lạc bộ khởi nghiệp tổ chức Ngày hội gia đình "Phụ nữ - Thanh niên sáng tạo khởi nghiệp"; tổ chức cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp tại các địa phương...

Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh đã triển khai các hoạt động hỗ trợ, kết nối các nhà đầu tư, kết nối chuyên gia, cho các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân khởi nghiệp để được tư vấn phát triển thành các sản phẩm khởi nghiệp, nhất là tổ chức gọi vốn trực tiếp từ các nhà đầu tư, doanh nhân.

Cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách thông thoáng

Điều đáng mừng là các thiết chế phục vụ hoạt động KNĐMST đã cơ bản hình thành và phát triển, tạo ra môi trường làm việc thuận lợi và thoải mái cho DN, dự án khởi nghiệp. Không gian khởi nghiệp tại Trung tâm KNĐMST - Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh đang dần hoàn thiện với các cấu thành liên kết giữa: không gian làm việc chung - không gian trưng bày sản phẩm/dịch vụ của các DN khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh - không gian sáng tạo về công nghệ. Tại đây đã hỗ trợ không gian làm việc chung cho 14 DN/dự án với hơn 70 người thường xuyên làm việc; hỗ trợ trưng bày sản phẩm cho hơn 20 DN/dự án; tổ chức 12 số "OpenTalk" về tư duy khởi nghiệp, mô hình kinh doanh, bán hàng, truyền thông, quản trị nhân sự/tài chính/marketing, thương mại điện tử, thương mại quốc tế, các chính sách hỗ trợ DN và khởi nghiệp…

Trong năm vừa qua, Sở KH&CN đã ký kết Chương trình hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland về thực hiện Đề án Cố đô khởi nghiệp, giai đoạn 2021-2025. Việc ký kết này góp phần giúp tỉnh đạt mục tiêu xây dựng hệ sinh thái KNĐMST tỉnh theo hướng phát triển toàn diện, lấy DN KNĐMST làm trung tâm của hệ sinh thái, điểm đến của các quỹ đầu tư, tập đoàn công nghệ, tạo lập môi trường tốt và thuận lợi nhất cho DN/dự án KNĐMST phát triển nhanh và bền vững.

Tỉnh cũng đã thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, kênh thiết chế quan trọng nhằm hỗ trợ, kết nối về tài chính các tổ chức, nhóm cá nhân, cá nhân trong việc đầu tư phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Thông qua thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã kết nối mạng lưới nhà đầu tư cá nhân, DN và mạng lưới quỹ đầu tư mạo hiểm cho KNĐMST. Nghị quyết 21 của HĐND tỉnh quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và Nghị quyết 22 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ cải tiến, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, trong đó có hỗ trợ khởi nghiệp sẽ góp phần rất lớn trong việc kích cầu phát triển KNĐMST trong thời gian đến.

Theo ông Hồ Thắng, ngoài vai trò quan trọng của các "chất xúc tác", chính DN khởi nghiệp là thành phần chủ lực của hệ sinh thái khởi nghiệp và tương tác trực tiếp với tất cả các thành tố còn lại. Hiện, toàn tỉnh có khoảng 5.700 DN đang hoạt động. Đây sẽ là lực lượng hùng hậu tham gia ngày càng nhiều hơn các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, kết hợp với các DN khởi nghiệp ngoài tỉnh, ngoài nước về Huế để từng bước xây dựng hệ sinh thái KNĐMST của địa phương ngày càng lớn mạnh, trở thành trung tâm KNĐMST khu vực và quốc gia.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG