Đầu tư nâng cấp hệ thống tưới tiêu Thanh Lam - Phú Đa (Phú Vang) phục vụ sản xuất nông nghiệp
Nhiều tuyến đê đã “lạc hậu”
Trận mưa lũ bất thường cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2022 cho thấy, nhiều tuyến đê nội đồng ven các sông đi qua các địa phương là “vựa lúa” của tỉnh; các cống thoát ven đầm phá được xây dựng từ lâu, không còn phù hợp khi có cao trình thấp. Hơn 2/3 diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại với tỷ lệ từ 30-70% đã minh chứng cho điều đó.
Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi (Quảng Điền) thông tin, tuyến đê ngăn mặn dọc phá Tam Giang được xây dựng năm 1990 qua địa bàn 2 HTX Tín Lợi và Thắng Lợi hơn 7km. Hiện nay, do xây dựng đã lâu nên xuống cấp gây rò rỉ nước, ảnh hưởng đến sản xuất lúa. Trong trường hợp nước lớn từ vùng nội đồng tràn qua các triền đê kết hợp triều cường không thể tiêu thoát được gây ngập úng diện rộng. Dù sau mưa lũ, các HTX, chính quyền địa phương huy động lực lượng, các trạm bơm vận hành nhưng tiêu úng chậm do triều đang cao, nên gây thiệt hại lớn.
Cũng trong trận lũ bất thường vừa qua, các tuyến đê nội đồng trên địa bàn thị trấn Phú Đa (Phú Vang) bị “vô hiệu hóa” hoàn toàn. Địa phương này có nhiều tuyến đê bị tràn như đê bao Bàu Kênh, Đầm Quang, Đầm Ruộng; bị vỡ trên chiều dài 10-15m như đê bao Phú Lộ, Trường Lưu… gây ngập úng hơn 600ha lúa, chiếm 70% diện tích gieo trồng lúa đông xuân toàn thị trấn.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh đánh giá, đợt mưa lũ vừa qua có lượng và cường độ lớn, lũ trái mùa, mưa to ở vùng núi kết hợp với vùng đồng bằng đã gây ra đợt lũ diện rộng trên sông Ô Lâu (khu vực tỉnh Quảng Trị đã xảy ra đợt lũ lớn), sông Bồ, sông Hương, sông Nong, sông Truồi, sông Bù Lu.
Hệ thống đê nội đồng ven sông Bồ, sông Hương và các sông khác có cao trình bờ rất thấp từ +0,5m đến +1,0m; nhiều đoạn đê đã đầu tư quá lâu, xuống cấp nên khi mực nước, dòng chảy trên sông lớn đã tràn qua mặt đê. Tại khu vực hạ du do thủy triều dâng cao +1,04m, các sông, hói bị bồi lắng, gây khó khăn cho việc thoát lũ, làm cho mực nước trên sông dâng cao, xuống chậm gây ngập, tràn bờ vùng, đê bao nội đồng.
Người dân Quảng Lợi (Quảng Điền) gia cố các tuyến đê bị vỡ, bảo vệ cây lúa đông xuân
Từng bước nâng cấp
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, do các công trình thủy lợi trên địa bàn đã đầu tư từ lâu, ảnh hưởng tác động của mưa lũ nên đã xuống cấp, hư hỏng không đáp ứng được nhiệm vụ tưới tiêu, ngăn mặn giữ ngọt. Hệ thống đê bao nội đồng, kênh mương nội đồng, đê ngăn mặn ven phá… đã bị xuống cấp nghiêm trọng cần phải có kinh phí rất lớn để nâng cấp, duy tu sửa chữa nhằm đảm bảo nhiệm vụ theo thiết kế đã đề ra. Trong khi đó, ngân sách đầu tư xây mới, sửa chữa nâng cấp các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng hàng năm còn hạn chế, vượt khả năng cân đối của các địa phương trong tỉnh.
Thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn trên địa bàn tỉnh đã đầu tư nâng cấp được gần 100km tuyến đê bao nội đồng với kinh phí xây dựng khoảng 450 tỷ đồng. Hệ thống đê nội đồng kết hợp giao thông Phong Bình - Phong Chương - Điền Hòa - Điền Lộc dài khoảng 10km với kinh phí 17,4 tỷ đồng, hiện đang triển khai thực hiện đạt khoảng 50% bằng nguồn ngân sách trung hạn của tỉnh. Đồng thời, đã đầu tư được khoảng hơn 1.100km kênh mương nội đồng, ước kinh phí thực hiện khoảng 600 tỷ đồng.
Việc đầu tư kiên cố hóa các tuyến kênh đã làm chủ động được nguồn nước tưới tiêu, tiết kiệm nguồn nước tưới, giảm chi phí trong quá trình vận hành khai thác. Tuy nhiên, do có một số công trình hồ, đập, trạm bơm mới được đầu tư xây dựng mới; đồng thời tại một số địa phương có sự điều chỉnh về quy hoạch đồng ruộng, sau khi rà soát có nhiều tuyến kênh cần được tiếp tục đầu tư.
Ông Phan Thanh Hùng cho biết, để tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển thủy lợi, ngoài nỗ lực của địa phương đã thực hiện đầu tư một số chương trình, dự án bằng ngân sách của tỉnh, UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét để đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm tiếp tục bổ sung nguồn vốn để thực hiện một số công trình.
Trong đó, nâng cấp khoảng 400km đê bao và đê nội đồng, hoàn thiện hệ thống đóng mở các cống trên đê và các cống điều tiết với kinh phí ước khoảng 800 tỷ đồng; nâng cấp 250km kênh mương bị xuống cấp với kinh phí khoảng 250 tỷ đồng; nâng cấp các trạm bơm tưới, tiêu để đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp; nạo vét các trục tiêu chính của hạ lưu các sông nhằm tăng cường khả năng thoát lũ, chống tràn khi có mưa lớn với kinh phí khoảng 50 tỷ đồng và tiếp tục hoàn thiện chương trình nâng cấp đê biển cho hơn 100km và các cống trên đê với kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện đầu tư cho thủy lợi giai đoạn 2021-2025 ước khoảng 6.000 tỷ đồng.
Thừa Thiên Huế có tổng chiều dài đê biển được phê duyệt là 181km (trong đó có 174 cống) bảo vệ hơn 11 nghìn ha lúa và 40 nghìn người dân sinh sống, tuyến đê sau khi được đầu tư chịu được bão cấp 9 và triều 5%. Từ năm 2006 đến nay, bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương chỉ mới đầu tư được khoảng 78km đê với tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng, đạt khoảng 40% trên tổng chiều dài đê theo chương trình. Hiện còn 103km đê, và hơn 100 cống lớn, nhỏ đã bị xuống cấp kinh phí để đầu tư các tuyến đê này khoảng 1.000 tỷ đồng.
Bài, ảnh: Hà Nguyên