Nhiều trường chủ động chọn sách giáo khoa mới
Các bộ sách đều đẹp, sắp xếp khoa học
Chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng với học sinh lớp 1 từ năm học 2020-2021, lớp 2 và 6 từ năm học 2021-2022. Năm học 2022-2023, có thêm học sinh lớp 3, 7 và lớp 10 được lựa chọn 1 bộ sách từ nhiều bộ sách khác nhau trong danh mục của Bộ GD&ĐT phê duyệt để giảng dạy.
Thầy giáo Anh Tuấn, giáo viên day môn vật lý Trường THCS Nguyễn Khánh Toàn (TX. Hương Trà) cho biết: Qua nghiên cứu SGK mới, tôi thấy bộ sách "Kết nối tri thức" với cuộc sống có chất liệu giấy đẹp, dày, được in màu rất bắt mắt. Nhiều hình ảnh để làm rõ nội dung bài học đã được đưa vào nhiều hơn. Các thông tin, hình ảnh được bố trí, sắp xếp khoa học, rõ ràng. Nội dung thể hiện trong sách trình bày một cách đơn giản nhưng khoa học, không ôm đồm nhiều kiến thức giúp học sinh dễ dàng tiếp cận và chiếm lĩnh kiến thức.
Theo thầy Tuấn, việc lựa chọn SGK áp dụng cho năm học mới không bỡ ngỡ với Trường THCS Nguyễn Khánh Toàn, bởi năm học 2021-2022, nhà trường đã tiến hành lựa chọn sách cho học sinh lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đối với nhiệm vụ chọn SGK cho năm học tới, nhà trường vẫn thực hiện theo quy trình cũ. Các bộ SGK đều được triển khai cho giáo viên nghiên cứu để chọn ra những cuốn hay và phù hợp nhất.
Theo nhiều giáo viên của các trường tiểu học trên địa bàn, việc lựa chọn bộ sách "Cánh diều" cho học sinh lớp 3 ở năm học 2022-2023 có nhiều thuận lợi, vì sẽ nối tiếp được dòng chủ lưu của nhóm biên soạn ở bộ SGK lớp 1 và lớp 2 đang giảng dạy cho học sinh. Giáo viên cũng dễ dàng biên soạn giáo án, còn học sinh cũng thuận lợi hơn vì giáo viên đã lựa chọn kỹ lưỡng, tránh tình trạng thiếu đồng nhất, năm nay chọn bộ sách này, sang năm lại chọn bộ sách khác, gây khó cho cả thầy lẫn trò.
Cô Nguyễn Thị Loan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Số 1 Hương Chữ cho biết, học sinh lớp 1 và lớp 2 của trường đang học bộ sách "Cánh diều", vì vậy với học sinh lớp 3 năm học 2022-2023 nhà trường cũng đã lựa chọn bộ sách này và báo cáo kết quả về phòng GD&ĐT. Việc lựa chọn bộ sách dựa trên nguyên tắc bỏ phiếu, trong đó bộ sách có phiếu đồng ý cao nhất được lựa chọn.
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên áp dụng SGK mới đối với học sinh lớp 10. Thế nên, học sinh lớp 10 sẽ học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng an ninh, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và nội dung giáo dục của địa phương. Các em chọn 5 môn khác từ 3 nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn), trong đó nhóm: Khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật), khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học), nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật - âm nhạc và mỹ thuật). Hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội, Lê Triều Sơn cho rằng, việc lựa chọn SGK sẽ không khó khăn, nhưng khi áp dụng sẽ có nhiều điều khó. Chẳng hạn, trong một lớp có 2/3 học sinh chọn môn này, 1/3 học sinh chọn môn kia thì lúc đó sẽ rất rối cho nhà trường trong việc sắp xếp giáo viên, bởi biên chế giáo viên các bộ môn của trường trước giờ có số lượng cố định.
Giáo viên chủ động chọn SGK
Năm học 2022 - 2023, SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 tiếp tục được lựa chọn theo Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT. Dù có những khó khăn do dịch bệnh nhưng Thừa Thiên Huế tập trung nguồn lực để việc chọn sách dựa trên ý kiến chuyên môn của giáo viên, phù hợp với điều kiện thực tế mỗi nhà trường, địa phương. Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố danh mục sách, các địa phương khởi động quy trình tuyển chọn SGK theo quy định Thông tư 25 ngày 26/8/2020 của Bộ GD&ĐT. Để có thể lựa chọn, trước hết giáo viên sẽ chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các bộ sách theo môn học phụ trách. Bản PDF của các bộ SGK được đăng tải công khai, tạo thuận lợi cho giáo viên tìm hiểu, tham khảo.
Việc chọn sách tôn trọng ý kiến chuyên môn của nhà trường, phù hợp với điều kiện địa phương. Để việc lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội nghị giới thiệu các bộ SGK do Bộ GD&ĐT phê duyệt dành cho cán bộ, giáo viên. Trong hội nghị có thảo luận, đóng góp ý kiến và giải đáp thắc mắc của cán bộ, giáo viên từ phía các nhóm tác giả về nội dung đã giới thiệu triển khai. Sau đó, Sở GD&ĐT thành lập hội đồng lựa chọn SGK trên cơ sở tập hợp ý kiến của cán bộ, giáo viên tham dự hội nghị giới thiệu triển khai SGK các môn học và chọn lựa bộ sách phù hợp nhất đối với địa phương, nhà trường.
Theo chia sẻ của các trường, thông qua các hội thảo, giáo viên nhận thấy SGK mới được biên soạn theo mô hình hiện đại, thể hiện rõ triết lý từng quyển sách. Các tác giả giới thiệu lôi cuốn, dễ hiểu, ngắn gọn mà súc tích về từng cuốn sách. Các bộ sách có nhiều điểm thú vị như vừa đảm bảo tính kế thừa ngôn ngữ và cách thức thể hiện phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương, vừa đảm bảo tính mềm dẻo, có thể điều chỉnh, bổ sung nội dung phù hợp, sát với tình hình thực tế. Tuy nhiên, việc lựa chọn SGK ở Thừa Thiên Huế được nhiều trường chon lựa là xem trọng quá trình trải nghiệm dạy học trên lớp. Do đó, phải có bước quan trọng là mỗi cuốn SGK cần có phân công giáo viên dạy một số bài trước khi đề xuất lựa chọn. Ngoài ra, các thiết bị kèm theo bộ sách phải đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình sử dụng.
Bài, ảnh: Huế Thu