Nhiều chuyên gia, luật sư và các ban ngành tham dự hội nghị
Hoạt động nhằm tiếp thu được nhiều ý kiến, nghiên cứu chuyên sâu mang tính khách quan, toàn diện, hợp Hiến, hợp pháp và đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế khi Luật được ban hành.
Chủ trì hội nghị, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu cho rằng, đây là dự án Luật khó, chuyên môn sâu, do đó đã chỉ đạo tăng cường khảo sát thực tiễn, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để có thêm thông tin, cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã đáp ứng được mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, bảo đảm chất lượng, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Tại hội nghị, các chuyên gia ngành khoa học công nghệ, luật sư, luật gia và đại diện các ban, ngành liên quan đã cho ý kiến, thảo luận đối với các điều, khoản, điểm cụ thể được dự kiến sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Các ý kiến cơ bản đồng tình với các điều, khoản, điểm được sửa đổi, bổ sung, song có nhiều ý kiến đóng góp, đề nghị bổ sung, sửa đổi các vấn đề như: Khái niệm sao chép; mở rộng phạm vi nhận diện nhãn hiệu nổi tiếng; giới hạn quyền sở hữu trí tuệ; điều kiện công nhận tác giả và đồng tác giả; đề nghị bổ sung về quyền tài sản, quyền nhân thân đối với tác phẩm văn học nghệ thuật…
Được biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 103 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 10 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2), có 12 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều.
Tin, ảnh: Lê Thọ