Khá lên nhưng không đồng đều. Hôm qua nghe một nhóm thợ nề bàn nhau, thôi mai nghỉ bữa, giàu có chi một ngày. Tôi nghĩ, chắc họ cũng chẳng đi đâu, cùng lắm góp nhau nhậu bữa là cùng.

Xã hội nào cũng thế, có kẻ giàu người nghèo, có nông thôn và thành thị, làm sao đồng đều hết được. Ngay cả các nước giàu có văn minh vẫn có những khu nhà ổ chuột kia mà. Vấn đề là chúng ta khá hơn lên như thế nào, người giàu thì giàu thế nào, người nghèo thì nghèo thế nào.

Việc đời sống người dân khá hơn dễ thấy lắm. Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam mình còn chừng 6%. Vấn đề là cái nghèo của ta đứng ở vị trí nào so với thiên hạ. Cái nghèo của chúng ta là, một người có thu nhập từ 400 – 500 ngàn một tháng gọi là nghèo (tùy thành thị hay nông thôn). Người được xác định vận nghèo là từ 401 – 650 ngàn một tháng.

Như vậy, có nghĩa là người có thu nhập từ 651 ngàn trở lên là hết nghèo. Cứ hình dung một người thu nhập khoảng 23 ngàn đồng một ngày họ chi tiêu như thế nào trong khi chuyện ăn ở, đi lại, học hành, bệnh tật… là những nhu cầu cơ bản. Dẫu có hết nghèo trên danh nghĩa thì còn rất nhiều một bộ phận người dân sống khổ. Mà đã khổ chẳng những bản thân họ thiệt thòi mà có khi là thiệt thòi đến một, hai thế hệ sau. Ví như chuyện học hành của con cái. Nhà đã khổ ít khi việc học hành của con cái được chăm lo chu đáo. Đã khổ thì tiền đâu cho con học thêm học bớt. Đã khổ làm sao con cái có điều kiện tiếp cận những gì tiên tiến, ví như công nghệ thông tin để học hỏi…

Thế là sự phân tầng xã hội diễn ra. Và đến một lúc nào đó nó trở nên sâu sắc.

Cái nghèo của người Việt mình cũng đáng nói rồi, nhưng cái giàu có khi còn đáng nói hơn. Giàu do sản xuất, kinh doanh, giàu do những phát kiến khoa học … thì không nói làm gì. Đáng nói nhất, đáng bàn thảo nhất là có hai dạng giàu lên: do léo lận cơ chế và do bổng lộc chức quyền đem lại.

Léo lận do cơ chế là do cơ chế không rõ ràng, không minh bạch, không theo kịp để điều chỉnh cuộc sống… Đó là cơ chế xin cho, ban phát. Điều này thì nhìn thấy rất rõ ở nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Anh được dự án này thì tôi được bao nhiêu. Điều này có khi nó tác động ngược lại trong việc soạn thảo các văn bản qui phạm pháp luật. Soạn thảo văn bản qui phạm pháp luật sao cho có “độ mở”, “ độ nhòe” để mà còn duy trì cơ chế xin cho.

Một bộ phận giàu do chức quyền tạo ra bổng lộc cũng không phải là không có. Vừa rồi báo chí nêu ra một số vụ thì đủ biết, nó ăn vào cả những cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật. Chức quyền tạo ra bổng lộc là căn nguyên cho việc chạy chức chạy quyền, cho tham ô. Nó tạo một môi trường có khi người tài không phát huy được năng lực, cống hiến mà chỉ dành cho những người thân hữu, chạy chọt, xu nịnh, vây cánh, lấy lòng… Và như thế, nó là sự cản trở của phát triển xã hội.

 

Bốn mươi năm sau ngày thống nhất đất nước, chúng ta có nhiều niềm vui và nhiều nỗi lo. Mong rằng năm mười năm nữa, nỗi lo thì chắc không bao giờ hết, nhưng niềm vui thì lại dày thêm lên, niềm vui trong ngày đất nước trở về một mối, vẹn toàn. 

Lê Phương