Người dân Huế, trong đó có nhiều bạn trẻ yêu sách đắm chìm trong những cuốn sách hay, mới được bày bán tại hội sách xuyên Việt
Nhiều nhà xuất bản, phát hành đã nhìn nhận trong sự tinh hoa của văn hóa Huế thì văn hóa đọc đã tạo nên một đặc trưng riêng mà không phải nơi nào cũng có. Trong đó, Huế được biết đến là một trong những địa phương đi đầu của phong trào phát triển văn hóa đọc thông qua hệ thống tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách lớp học, thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng ngày càng phát triển và nhân rộng.
Trong không gian hội sách xuyên Việt ở số 15 Lê Lợi, cạnh bờ sông Hương thơ mộng, nhiều chuyên gia và những người làm công tác xuất bản đã xúc động nói rằng, vinh dự khi được đem hội sách, tổ chức các diễn đàn liên quan đến văn hóa đọc đến Huế. Được xem là hội sách chất lượng với sự tham gia của các nhà phát hành, xuất bản hàng đầu Việt Nam, hội sách không chỉ đưa đến cho người đọc những cuốn sách hay mà ở đó, độc giả còn được chia sẻ câu chuyện đọc sách, tìm kiếm và lan toả tri thức của mình đến với các chuyên gia, tác giả.
“Phải rất lâu rồi, tụi mình mới có thể tham gia một sự kiện vui và bổ ích như thế. Không chỉ chọn được những cuốn sách ưng ý, ở đây mình còn gặp được nhiều người thú vị, chung niềm đam mê đọc sách, gặp được những người làm công tác xuất bản tâm huyết, tận tụy; những câu chuyện đồng cảm trong hành trình lan tỏa và đưa văn hóa đọc đi xa hơn, đến với nhiều người hơn nữa”, bạn trẻ Nguyễn Minh Tuấn (TP. Huế) tâm sự.
Chỉ với một không gian vừa đủ, mọi người tha hồ chọn mua cho mình những quyển sách hay với mức giá phù hợp. Nhiều người hào hứng khi chỉ vừa rảo quanh một vòng có thể ôm ngay một chồng sách ưng ý. Nhiều bạn trẻ cho rằng, đây là cơ hội để họ có thể săn lùng sách, bởi có nhiều cuốn sách mới với đa dạng lĩnh vực nhưng được giảm giá mạnh, có cuốn giảm đến 50%, nhiều cuốn đồng giá.
Chị Nguyễn Như Quỳnh đưa cháu đang học lớp 1 đến hội sách và nói rằng, thông qua những sự kiện như vậy không chỉ tạo thói quen đọc sách trong con trẻ ngay từ nhỏ, mà còn giúp con trẻ hiểu về vai trò của sách trong hành trình khôn lớn. “Đến với hội sách không chỉ để mua sách, con trẻ còn tìm thấy ở đó một không khí của niềm đam mê, gặp nhiều bạn bè cùng trang lứa và xa hơn giúp con trẻ nhận ra được những hội sách là cơ hội để tìm những điều bổ ích không phải chỉ có ở sách”, chị Quỳnh nói.
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, kiêm Giám đốc đường sách Nguyễn Văn Bình (TP. Hồ Chí Minh) – đơn vị tư vấn chuyên môn cho hội sách xuyên Việt tại Huế khẳng định, hội sách hướng đến phục vụ nhu cầu đọc của người dân, nhất là các bạn trẻ, các em thiếu nhi.
Cùng với hội sách, còn có các hoạt động bên lề liên quan với mục tiêu hướng tới sự thu hút, quan tâm của công chúng và cũng để khuyến khích mọi người, gieo niềm say mê, yêu thích đọc sách trong cộng đồng người dân nói chung và người Huế nói riêng. Theo ông Hoàng, văn hóa đọc của người dân nói chung và người trẻ nói riêng tiến bộ hơn so với những năm về trước thông qua những chỉ số như sức đọc, số người đọc, số sách được đọc…
“Hội sách xuyên Việt đã kết nối với Huế, người dân Huế yêu thích, trân trọng văn hóa, đọc sách. Chúng tôi quan sát thấy, hội sách đã có sự giao thoa với người đọc một cách lạc quan khi thấy được tình yêu sách nồng nhiệt của bà con, người dân xứ Huế”, ông Hoàng nhìn nhận. Ông cũng thông tin, hoạt động tương tự sẽ còn diễn ra nhiều lần nữa trên vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu văn hóa đọc như Huế.
Bài, ảnh: NHẬT MINH