Đồi Thiên An, một trong những “lá phổi xanh” cần bảo vệ. Ảnh: D. TR

Diện tích tăng, số vụ cháy rừng nhiều

Sau ngày 1/7/2021, thực hiện Nghị quyết 1264 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP. Huế, toàn thành phố có 11 phường, xã có rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, các địa phương mới sáp nhập có diện tích rừng khá lớn, như Hương An, Hương Hồ, Hương Thọ, Thủy Bằng... Với quy mô phường, xã sáp nhập tăng lên, diện tích rừng và đất lâm nghiệp tăng lên thêm 7.800ha, nâng tổng diện tích toàn thành phố lên hơn 8.267ha, trong đó có 647ha rừng đặc dụng, 1.117ha rừng phòng hộ, hơn 4.980ha rừng sản xuất và 1.524ha rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng với gần 20 đơn vị chủ rừng lớn và UBND các phường/xã, hộ gia đình đang quản lý.

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, diện tích rừng ở thành phố lớn nên nguy cơ cháy rừng rất cao

Theo thống kê, từ đầu năm 2021 đến ngày 1/7/2021, trên địa bàn thành phố chỉ xảy ra 4 vụ phát lửa và 3 vụ cháy rừng với diện tích cháy 0,492ha. Từ ngày 1/7/2021 đến nay đã xảy ra 19 vụ cháy rừng và 15 vụ phát lửa ven rừng trên địa phận của các phường, xã, như: An Cựu, An Tây, Thủy Bằng, Hương Hồ, Hương Thọ, Hải Dương với tổng diện tích cháy hơn 33ha, trong đó có hơn 10ha rừng đặc dụng, 1ha rừng phòng hộ, 2 ha rừng sản xuất và hơn 19ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng.

Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP. Huế, ông Lê Nhân Đức, mặc dù các vụ cháy đã được phát hiện sớm và được các lực lượng chức năng cùng người dân tham gia chữa cháy nhưng do gió mạnh, đạn nổ, chủ yếu là cháy rừng vào ban đêm, độ dốc lớn, đường ghập ghềnh nên diện tích cháy bị thiệt hại chiếm hơn 22,8ha rừng, trong đó có 6,6ha rừng đặc dụng, 0,7ha rừng phòng hộ, 16,2ha rừng ngoài quy hoạch. Đây thực sự là mối lo lớn khi bước vào mùa cao điểm nắng nóng năm nay.

Nâng cao ý thức người dân

Bước vào cao điểm mùa nắng nóng 2022, dự báo thời tiết sẽ xuất hiện nhiều biểu hiện cực đoan, nắng nóng, hanh khô kéo dài, nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn. Bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng về PCCCR, TP. Huế yêu cầu mỗi người dân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội phải nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về bảo vệ rừng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; tuyệt đối chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCCR, đặc biệt đối với những hộ dân sống gần rừng, ven rừng. Đồng thời, nghiêm cấm việc đốt lửa, sử dụng lửa trong rừng, ven rừng trong thời gian nắng nóng cao điểm.

Hạt Kiểm lâm thành phố đã và đang tổ chức các đợt tuyên truyền lưu động trên ôtô, loa phóng thanh, phát thanh trên đài truyền thanh của các phường; phối hợp kiểm tra công tác PCCCR của một số đơn vị chủ rừng; phân bổ kinh phí mua sắm mới các loại dụng cụ, thiết bị PCCCR đưa về các phường, xã mới sát nhập, các địa phương có diện tích rừng lớn như Hương An, Hương Hồ, Hương Thọ, Thủy Bằng... Đồng thời, rà soát và điều phối các phương tiện, máy móc trang thiết bị và các công cụ, dụng cụ về cho các chủ rừng và UBND các phường có rừng; đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ cho công tác PCCCR.

Năm 2022, thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả phương án quản lý bảo vệ rừng - PCCCR, xây dựng kế hoạch và tổ chức các lực lượng bảo vệ rừng, không để xảy ra các điểm nóng phá rừng, lấn chiếm và khai thác rừng trái pháp luật bảo vệ tốt tài nguyên rừng trên địa bàn; bố trí lực lượng trực gác chòi canh lửa, đảm bảo duy trì 24/24 giờ để kịp thời phát hiện khi có điểm phát lửa xảy ra. Các đơn vị chủ rừng chủ động làm việc với các chủ phương tiện sẵn sàng hỗ trợ kịp thời ứng cứu, tiếp nước khi có cháy rừng xảy ra trên địa hình vùng núi hiểm trở, xe chữa cháy không thể tiếp cận hiện trường; làm việc với các thợ cưa máy để hỗ trợ khi cần tạo đường băng cản lửa; chuẩn bị sẵn sàng các bảng chỉ dẫn lối vào các điểm cháy, điểm lấy nước.

Theo Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật, cao điểm mùa khô năm 2022 được nhận định sẽ có diễn biến thiên tai bất thường, nguy cơ cháy rừng luôn thường trực xảy ra. Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện phương châm 4 tại chỗ “lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy” và 5 sẵn sàng “lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy, thông tin”, mỗi người dân thành phố cần phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm về PCCCR; phối hợp chặt chẽ, kịp thời với lực lượng chức năng để thường xuyên thông tin, tham gia PCCCR nhằm gìn giữ "lá phổi xanh" của thành phố.

Để thiết thực bảo vệ rừng và PCCCR, mỗi người dân thành phố nói riêng và cả tỉnh nói chung cần thực hiện nghiêm nếp sống văn minh trong các dịp lễ, hội, sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, hoạt động tôn giáo; không thắp hương, đốt vàng mã tại các khu vực có nguy cơ cháy cao; sẵn sàng tham gia phòng cháy, chữa cháy khi có sự cố xảy ra, quyết tâm bảo vệ diện tích rừng hiện có trên địa bàn TP. Huế.

Bài, ảnh: Thanh Hương