Dự án mở rộng đường Hà Nội đang tích cực triển khai. Ảnh: MC
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức của đại dịch COVID-19, tỉnh đã xây dựng chương trình hành động, thành lập ban chỉ đạo và phân công các sở, ngành chủ trì xây dựng các đề án triển khai thực hiện.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 54, tỉnh đã đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị theo hướng thành phố trực thuộc Trung ương song song với Quy hoạch chung đô thị và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép mở rộng địa giới hành chính TP. Huế, tỉnh tích cực triển khai sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP. Huế nhằm sớm ổn định tổ chức và vận hành hiệu quả hoạt động bộ máy của các cơ quan, đơn vị, đảm bảo duy trì hoạt động hành chính tại địa phương, ổn định đời sống Nhân dân và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng trong quá trình cụ thể hóa Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Về phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển, nhất là cho phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế. Tỉnh đã ban hành chính sách thu hút đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch; đổi mới cơ chế quản lý, khai thác sau đầu tư. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Chủ động thu hút có chọn lọc các dự án có vốn đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao, đảm bảo môi trường sinh thái và quốc phòng, an ninh. Hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ, quản trị, cạnh tranh cho doanh nghiệp tư nhân.
Dệt may vẫn là ngành xuất khẩu mũi nhọn của Thừa Thiên Huế
Cùng với đó, chú trọng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin và đô thị đồng bộ, hiện đại và thông minh, đảm bảo sự hài hòa giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của Huế. Thu hút vốn đầu tư bằng nhiều hình thức cho xây dựng hệ thống giao thông, đảm bảo tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế. Nâng cấp một số tuyến đường nội thị quan trọng tại thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền.
Một lĩnh vực nữa cũng được tỉnh chú trọng đó là nâng cao hiệu quả liên kết phát triển vùng; mở rộng hợp tác và quan hệ đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; củng cố vị thế là trung tâm văn hóa lớn và đặc sắc của cả nước…
“Những giải pháp trên sẽ góp phần tạo nền tảng vững chắc hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng “Văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh” trước năm 2025 theo kế hoạch đã đề ra” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh tại buổi làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Ưu tiên các chương trình, dự án trọng điểm
Năm 2022, đối với nguồn vốn đầu tư công tỉnh, tập trung triển khai các DA trọng điểm. Việc tỉnh khởi công dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An với tổng nguồn vốn gần 3.500 tỷ đồng vừa qua cho thấy quyết tâm cao của tỉnh trong việc đầu tư các DA kết cấu hạ tầng đồng bộ cho thành phố trực thuộc Trung ương. DA nâng cấp, mở rộng đường Hà Nội đang tích cực triển khai.
Ngoài ra, các DA trọng điểm khác cũng đang tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư: DA đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài; DA đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2; DA Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu DA Thừa Thiên Huế; tiếp tục DA di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế. Đồng thời, triển khai các DA xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tỉnh đang tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đô thị nhằm hướng đến đạt các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương.
Đến nay, điểm nghẽn lớn nhất của tỉnh là chưa giải quyết tốt mối quan hệ hệ giữa bảo tồn và phát triển; quá trình điều hành và quản lý đối với đô thị có tính chất đặc thù như Thừa Thiên Huế gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc do bảo tồn di sản, giữ gìn văn hóa đặc sắc và bảo vệ môi trường sinh thái đã tạo nên các rào cản đối với hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...
Đối với các DA ngoài ngân sách, năm 2022, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ban ngành tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường để khởi công xây dựng. Phấn đấu toàn tỉnh thu hút 30-35 DA, với tổng vốn đăng ký khoảng 60.000 tỷ đồng; tổng vốn thực hiện khoảng 36.000 tỷ đồng.
Bài, ảnh: Thái Bình