Lấy hộ nghèo làm trung tâm

Hiện nay, toàn tỉnh có 16.006 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,93%; hộ cận nghèo 12.803 hộ, chiếm 3,94%. Mục tiêu giảm nghèo của tỉnh trong giai đoạn tới là "giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững" và đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,0-2,2% đến cuối năm 2025. Với mục tiêu đặt ra, có nghĩa trong vòng 5 năm, toàn tỉnh cần phải giảm 60% số hộ nghèo so với hiện tại.

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cần liên kết với các địa chỉ tuyển dụng

Để thực hiện thành công mục tiêu đặt ra, đề án "Giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2021-2025" đang được Sở LĐTB&XH xây dựng tập trung áp dụng theo phương pháp "giảm nghèo theo địa chỉ". Bản chất của hình thức này là lấy hộ nghèo làm trung tâm. Từng cấp cơ sở phải rà soát đặc điểm, nhu cầu, phương án sinh kế của từng hộ nghèo để xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể đến từng hộ. Kế hoạch, giải pháp phải xuất phát từ phương án sinh kế của từng hộ, tổng hợp thành một số mô hình sinh kế (cây con, ngành nghề, dịch vụ) để xây dựng dự án hợp tác phát triển sản xuất (HTPTSX). Có thể có những dự án HTPTSX tổng hợp, theo hướng đa dạng hoá sinh kế, đảm bảo yếu tố mùa vụ, giảm thiểu rủi ro thời tiết, bão lũ…

Góp ý tại hội nghị tham vấn đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nhiều ý kiến cho rằng, giảm nghèo là nhiệm vụ cấp bách cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và có sự điều hành, giám sát, phân công, phân nhiệm cho từng sở, ban, ngành, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh hỗ trợ xoá nghèo theo địa chỉ cho các hộ gia đình nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Việc giảm nghèo theo địa chỉ cũng đồng thời phải đảm bảo phù hợp yêu cầu thực tế sản xuất, sinh hoạt của từng hộ nghèo và từng vùng miền. Chẳng hạn đối với địa bàn A Lưới, theo Phó Trưởng phòng LĐTB&XH huyện A Lưới, nếu chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp thì rất khó để thoát nghèo do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt. Giải pháp giảm nghèo của địa phương là chỉ cần trong 1 hộ nghèo có 1 người đi lao động ở nước ngoài hoặc vào làm việc ở khu chế xuất, khu công nghiệp là sẽ đưa gia đình thoát nghèo bền vững.

Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cần phải gắn với địa chỉ tuyển dụng, cụ thể là các đơn vị kinh tế, đơn vị tổ chức sản xuất, doanh nghiệp mà không nên đào tạo dàn trải, theo chương trình, đề án với ngành nghề đã được mặc định. 

Công tác hỗ trợ vốn vay cần có sự tư vấn, phân bổ, cân đối nguồn cho vay đảm bảo phù hợp nhu cầu, giúp hộ nghèo sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả đầu tư cao. Ngoài ra, không hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo không có khả năng lao động và hỗ trợ tạo sinh kế có trọng tâm trọng điểm, hạn chế "cho không" đối với hộ nghèo có người lao động để tránh tình trạng "trông chờ, ỷ lại", lãng phí nguồn hỗ trợ của nhà nước.

Hỗ trợ theo nhóm hộ, tổ hợp tác

Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới- Nguyễn Văn Hải cho rằng, việc chuyển hình thức hỗ trợ theo từng hộ nghèo sang hỗ trợ theo nhóm hộ, tổ hợp tác sẽ nhằm khắc phục tồn tại trong thời gian qua khi một số chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sinh kế về cho từng hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng chưa đem lại hiệu quả cao và thiếu tính bền vững.

Đồng quan điểm này, ông Phạm Văn Tần, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh góp ý, với phương án hỗ trợ sau đầu tư theo như đề án đưa ra, nếu áp dụng đối với từng hộ nghèo sẽ rất khó thực hiện mà chỉ phù hợp áp dụng với tổ hợp tác, nhóm hộ. Việc hỗ trợ sau đầu tư đối với nhóm hộ cũng nên bắt đầu làm từ 1-2 mô hình. Nếu thành công thì tiếp tục nhân rộng để tạo sự đột phá trong sản xuất kinh doanh và tăng tính tổ chức sản xuất quy mô, chuyên nghiệp hơn.

Các hộ nghèo vừa thoát nghèo vẫn cần tiếp tục được hỗ trợ vốn vay để tái đầu tư phát triển sinh kế

Ngoài ra, các ý kiến cũng đồng tình với đề xuất trong đề án là cần có cơ chế hỗ trợ các hộ đăng ký thoát nghèo bền vững, kéo dài thời gian tiếp tục hỗ trợ thêm khoảng 3 năm cho hộ đã thoát nghèo và hỗ trợ với mức tối đa 30% hộ không nghèo/hộ biết cách làm ăn tham gia tổ nhóm cộng đồng cùng với hộ nghèo/cận nghèo/mới thoát nghèo.

Ngoài thực hiện các chính sách giảm nghèo chung, để đảm bảo tỷ lệ giảm nghèo bền vững đến năm 2025, phấn đấu thực hiện mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025, đề án còn xây dựng các chính sách giảm nghèo đặc thù liên quan đến: hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế; xoá nghèo "theo địa chỉ" cho 487 hộ nghèo có thành viên đang hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; bổ sung nguồn lực từ ngân sách tỉnh, huyện và nguồn huy động, vận động xã hội hoá để hỗ trợ xoá nghèo theo từng trường hợp cụ thể; lồng ghép các nguồn lực và ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ xoá các chiều thiếu hụt về nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin, việc làm… 

Ông Đặng Hữu Phúc, TUV, Giám đốc Sở LĐTB&XH ghi nhận những ý kiến đóng góp để hoàn thiện đề án giảm nghèo bền vững của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Ông Đặng Hữu Phúc nhấn mạnh, công tác giảm nghèo bền vững được Trung ương, tỉnh hết sức quan tâm và tập trung mọi nguồn lực để thực hiện đề án giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2021- 2025, nhất là tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp và giảm nghèo theo từng địa chỉ gắn với từng mô hình sinh kế; đồng thời khơi thông, huy động các nguồn lực để phục vụ giảm nghèo. Các địa phương, người nghèo cũng cần nâng cao nhận thức và hành động để làm quen dần với việc hạn chế trông chờ vào "bầu sữa" của Trung ương. Vì sự tiếp nhận hỗ trợ của tỉnh từ Trung ương chỉ trong ngắn hạn và tinh thần sau năm 2025, tỉnh phải hoàn toàn chủ động, tự lực trong công tác giảm nghèo.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG