Con đường không mấy dài, nhưng dễ có quá nhiều thứ để thích!

Là tôi đang nói về đường sách ở TP. Hồ Chí Minh, khi ghé đến vào tháng trước. Lúc ấy, các gian hàng sách chưa mở hết nhưng cái chộn rộn chừng như đã bắt đầu từ lâu. Có lẽ là vì những chiếc gáy sách với đủ sắc màu trên các dãy kệ, vì những chồng sách trên cả mấy chiếc bàn dài mà người ta đang cắm biển sale. Cả tiếng chỉnh micro để chuẩn bị cho một buổi giới thiệu sách mới của một tác giả nước ngoài…

Trên bàn của chúng tôi có ba thức uống khác nhau, nhưng điều mà tôi chắc là ánh mắt của chúng tôi đều hướng về hướng trước. Đó là một không gian linh động trong cái lao xao dễ thương khi nhìn người ta tha thẩn chọn sách giữa các dãy kệ. Là lời giới thiệu của cô chủ trẻ về những cuốn sách đang đặt trên giá. Không biết cô đã đọc hết chưa, nhưng khách trông khá chăm chú rồi bắt đầu dò trước quá nhiều đầu sách. Các cô bé, cậu bé hình như không mất nhiều thì giờ đến vậy, khi chúng chừng như đã biết cuốn sách mình đang tìm hay đọc dở ở vị trí nào rồi ngồi luôn xuống chiếc ghế dài để đọc, hay cẩn thận bỏ vào ba lô sau khi tính tiền rồi rời đi. Có bà mẹ trẻ với mấy cuốn sách trên tay đang cúi xuống trao đổi điều gì đó với cậu con trai. Người đàn ông với mái tóc cột túm trên đầu, làm lộ mấy hình xăm ngang cổ vai trông hiền hơn khi anh chậm rãi chọn sách rồi mê mải đọc mấy trang đầu.

Hôm đó, tôi cũng đã ngoái nhìn chính mình khi trông thấy những người làm báo trẻ bận rộn với việc chụp ảnh, ghi hình và phỏng vấn các vị khách mời về một tác giả mới và cuốn sách mới – những điều mà lâu rồi, tôi không thường gặp nữa, ở Huế. Khoảng hơn 1 giờ đồng hồ ở đó đã gọi về cho tôi rất nhiều cảm xúc. Và cả không ít những ước mong...

Hội sách xuyên Việt lần đầu tiên được tổ chức tại Huế thu hút bạn đọc đến đọc và mua sách (ảnh minh họa). Ảnh: Q.T

Đề án thí điểm Không gian đường sách Huế (đường Hai Bà Trưng, phường Vĩnh Ninh) trước đây đã dừng lại ở mức thí điểm. Thời gian gần đây, các trạm đọc, tủ sách di động cũng đã được một số bạn trẻ gom góp và đưa ra cộng đồng. Trong một kế hoạch dài hơi hơn, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Thiết lập và phát triển Tủ sách Huế” giai đoạn 2022-2025. Đây sẽ là một chiến lược dài hơi để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế, con người Huế và phát triển văn hóa đọc. Một số hoạt động ban đầu đã được xúc tiến để chuẩn bị cho sự “đầy đặn” ở nhiều khía cạnh trong tương lai.

Nhưng cho đến lúc này, việc gầy dựng lại con đường sách ở Huế có lẽ vẫn còn tiếp tục phải chờ đợi. Tôi vẫn thường nhìn vào con đường sách năm xưa, mỗi lần ngang qua ngã 5 giao nhau giữa Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Huế vẫn được xem là thành phố văn hóa, là một trong những thành phố có nhiều trường đại học nên việc có một đường sách, với sự tham gia của nhiều công ty, nhà xuất bản là điều quá phù hợp. Nếu khắc phục được những lỗi cũ, kiểm soát được tình trạng sách giả, sách in lậu và việc lấn chiếm vỉa hè, có lẽ không gian đường sách năm xưa sẽ lại hiện diện ở một địa điểm nào đó của Huế - nơi có rất nhiều điểm phù hợp cho loại hình dịch vụ này.

Tôi tin, khi làm được điều này, Huế sẽ có thêm một sắc màu không chỉ để thích, mà còn để thương và để nhớ…

NGUYỄN LÊ NHI