Chiều 1/5, tôi có gia đình của 2 người bạn thân, gồm 8 thành viên đến Huế du lịch, đã đến hơn chục khách sạn 2 sao và 3 sao để thuê phòng nhưng đều không có.

Chị Thu Hà trò chuyện: “Đến Huế ngoài kế hoạch, nên mình không đặt phòng trước. Không ngờ dịp này khách đến Huế đông nên đi khách sạn nào cũng hết phòng. Cuối cùng, đoàn của mình thuê nhà nghỉ để lưu trú”.

Du khách tham quan phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu

Khác với gia đình chị Thu Hà, gia đình chị Trà My đến từ Hà Nội đã lường trước được dịp lễ này khách sạn sẽ “cháy” phòng nhưng vì chủ quan nên không đặt phòng trước.

Chị Trà My cho biết: “Sau khi bay vào Đà Nẵng xem lễ hội pháo hoa, sáng 30/4, tranh thủ ra Huế để xem Festival Nghề, kiếm mãi không có phòng, gia đình chấp nhận thuê nhà nghỉ bình dân để lưu trú tại Huế đến chiều 2/5”.

“Trước kỳ nghỉ lễ này tôi có nhờ đồng nghiệp đặt phòng ở Đà Nẵng trước đó gần 1 tháng. Nhưng, khi nhờ chị bạn làm hướng dẫn viên du lịch đặt phòng ở Huế thì bạn nói: “Festival Nghề mà lo chi thiếu phòng, lúc nào đến rồi lấy cũng được”. Nghe vậy nên yên tâm, đến tận nơi mới biết phòng khách sạn khan hiếm như thế nào”-chị Trà My cho biết thêm.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Huyền đến từ Hải Phòng cũng chủ quan, sáng 1/5 khi xe vừa đến Huế, vợ chồng chị đi mỏi cả chân để tìm khách sạn nhưng không có. Chị Huyền nói, đây là lần thứ ba, gia đình chị đến Huế chơi vào dịp lễ 30/4. Cũng như những lần trước, do đi xe tự lái nên gia đình không chủ động giờ giấc và đi mệt đến đâu thì ở lại chỗ đó, vì vậy không đặt phòng trước. Những lần trước đến Huế, chị thuê phòng khách sạn là có ngay nhưng năm nay không ngờ phòng đã kín.

Du khách đến tham quan các làng nghề tại Công viên Tứ Tượng

Không chỉ khách sạn “cháy” phòng, mà các dịch vụ mua sắm, hàng ăn, cà phê, chợ Đông Ba… cũng đông nghẹt người. Tại các quán cà phê nằm dọc sông Hương trên đường Lê Lợi, khoảng 8 giờ sáng, khách đến không còn ghế. Một chủ quán cà phê ở bờ Nam sông Hương cho biết, mấy ngày nay, dù quán đã kê thêm 50- 70 ghế để đáp ứng lượng khách đến Huế nhưng vẫn không đủ chỗ ngồi.

Nói về lượng khách đến Huế tăng cao, ông Lê Ngọc Sanh, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao&Du lịch) cho rằng, do kỳ nghỉ lễ năm nay trùng với lễ hội Festival Nghề truyền thống Huế. Đặc biệt, du khách sau xem lễ hội pháo hoa ở Đà Nẵng thì họ đi thẳng ra Huế tham quan, du lịch.

Mặc dù, lượng khách đến Huế rất đông nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa nghe bất kỳ du khách nào phàn nàn, phản ánh về giá cả phòng cũng như các dịch vụ ăn uống, mua sắm…. Tuy nhiên, tránh tình trạng, một số địa điểm lợi dụng nâng giá, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao&Du lịch phối hợp với Công an Thành phố Huế tuần tra, kiểm soát thường xuyên. Theo chủ trương của ngành, đây là cơ hội lớn để kinh doanh và là dịp quảng bá ngành du lịch đến với các bạn bè trong cả nước và quốc tế, nên ngoài việc lo chu đáo về chỗ ăn, nghỉ thì giữ giá cả ổn định cũng là vấn đề cần quan tâm.

Với sự chuẩn bị chu đáo của các doanh nghiệp, địa phương, tin rằng trong dịp lễ du khách đến Huế sẽ hài lòng, lưu giữ những ấn tượng đẹp và trở lại trong thời gian sớm nhất.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao&Du lịch, khách sạn và nhà nghỉ Huế có tổng cộng hơn 10.000 phòng nhưng đến chiều 1/5, có khoảng 17 ngàn lượt khách lưu trú; tăng khoảng 30% so với năm trước.

 

 

Thanh Thuận