Đường vào làng Thanh Khê được bê tông hóa khang trang

Cửa Rừng-nơi người dân địa phương quen gọi mòm Vàng Bạc, là khu vực có địa thế chiến lược; được bao quanh bởi 3 mòm (Vọ Vọ, Thất Giới, Đình) và 2 hóp (Vũng Tranh, Ông Trí); lại có dốc Ồ Ồ, khe Hóp và hồ Thọ Sơn nằm ngay bên cạnh. Giai đoạn 1966-1975, khu vực Cửa Rừng là một căn cứ địa để ta bàn công việc, giao nhận quân, tiếp nhận nhu yếu phẩm, vũ khí, khí tài cho bộ đội hoạt động trên chiến khu. Cựu chiến binh Nguyễn Xu (73 tuổi), kể về những ngày tháng “không thể nào quên” khi hoạt động tại đây: “Tôi làm công tác giao liên, bắt liên lạc từ Cửa Rừng về vùng sâu, vùng xa và đưa quân ta lên rừng hoạt động. Lúc đó, tại đây có 5-7 hộ dân làm ăn sinh sống, nuôi giấu cán bộ và tiếp tế lương thực, thực phẩm. Sau khi địch phát hiện đây là khu vực trọng yếu, chúng liên tục ném bom, gài mìn, phục kích, tấn công để hòng chống phá quân ta. Hai trận đánh quan trọng là chiến dịch Mậu Thân 1968 và Giải phóng Huế 1975, toàn bộ lực lượng bộ đội từ các trung đoàn, sư đoàn đều đi qua vùng Cửa Rừng để về đánh chiếm Huế. 

“Những năm 66-67, địch cho quân lên càn quét, bao vây, đốt sạch khu vực Cửa Rừng, nhưng bằng sự mưu trí, dũng cảm của những chiến sĩ giao liên, những người làm công tác an ninh nên ta vẫn bảo toàn hoạt động, việc giao nhận quân vẫn an toàn”, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hương Thạnh (nay là Hương Xuân) - bà Hồ Thị Chẻo (72 tuổi) tự hào kể.

Ghi nhận công ơn của các chiến sĩ đã ngã xuống và ghi nhớ dấu tích lịch sử địa danh Cửa Rừng, năm 2008, thị xã Hương Trà đã xây dựng Bia Chiến tích Khe Đâu tại chính con đường huyết mạch năm xưa. Hàng năm, vào ngày 25 tháng chạp âm lịch, không ai bảo ai, các cựu chiến binh Trường Sơn từng chiến đấu và hoạt động ở Cửa Rừng đều về làm lễ tưởng niệm tại bia chiến tích để tri ân những người đã hy sinh và cùng ôn lại kỷ niệm, chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống.       

Rời bia chiến tích, chúng tôi đến thăm những hộ dân sinh sống tại đây. Con đường đến với 54 hộ dân làng Thanh Khê (nay là tổ dân phố 1) tuy còn xấu nhưng so với thời trước đã “ngon” hơn rồi, bà Chẻo kể.

Làng Thanh Khê do Đặng Huy Cát (1832-1899), con rể vua Minh Mạng sáng lập (sau khi khởi nghĩa chống Pháp thất bại, ông đến chân núi Thất Giới khai khẩn đất hoang, chiêu mộ, luyện quân, tiếp tục ý chí chống Pháp và lập làng Thanh Khê ngày nay). Trong kháng chiến chống Mỹ, đa phần dân làng phải chuyển đi nơi khác. Sau 1975, địa phương vận động Nhân dân lên tái lập làng, làm ăn sinh sống.

Là vùng bán sơn địa, người dân Thanh Khê đa phần sống dựa vào sản xuất nông nghiệp (trồng sắn, đậu, chăn nuôi), 30% số hộ tham gia trồng rừng kinh tế, nên đời sống bà con được cải thiện đáng kể; 100% nhà được xây dựng kiên cố, có điện, nước đầy đủ. “Để góp phần xây dựng Hương Xuân ngày càng khang trang, đổi thay vùng đất căn cứ địa Cửa Rừng, năm 2014, khi phường có chủ trương vận động Nhân dân hiến đất mở đường, không ai bảo ai, tất cả các hộ dân Thanh Khê có tuyến đường đi qua đều hồ hởi tự nguyện tháo dỡ hàng rào, chặt cây để có mặt bằng “sạch”.

Ông Ngô Quang Thảo, Bí thư kiêm Chủ tịch phường Hương Xuân chia sẻ: “Hiện, Hương Xuân đang tập trung kêu gọi đầu tư và có các chính sách ưu đãi để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ, thương mại ở các khu vực đã được quy hoạch. Đặc biệt là kêu gọi đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái hồ Thọ Sơn, đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao... Tương lai không xa, đây sẽ là vùng đất đầy tiềm năng trong phát triển du lịch, dịch vụ của địa phương”.

Bài, ảnh: Liên Minh