Mái ấm thứ hai của cậu học trò khuyết tật Phan Gia Hòa

Tạo sinh kế

Trong những ngày này, lớp học mộc mỹ nghệ của Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật (trực thuộc Hội NKT – Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi) thơm nồng mùi gỗ xá xị. Cần mẫn chỉ vẽ cách đục, chạm khắc cho các học trò, thầy giáo phụ trách bộ môn mộc mỹ nghệ Trần Công Đông chia sẻ: “Hiện tại, lớp học vẫn còn vắng do phụ huynh ngại dịch bệnh, chưa gửi các em đến lớp. Nhưng tôi tin rằng, sẽ sớm thôi, 100% các em sẽ trở lại trung tâm để tiếp tục theo đuổi đam mê”.

Khi chúng tôi đến thăm lớp, thầy Đông đang “cầm tay chỉ việc” cho Phan Gia Hòa, cậu học trò không may mắc hội chứng Down nhẹ. Vui vẻ và lanh lợi, Phan Gia Hòa tỉ mỉ theo dõi từng nét đục, chạm của thầy Đông. Em hòa nhã, chăm chỉ và tiến bộ từng ngày, dù trí tuệ không được may mắn như bao người khác.

Ngoài Phan Gia Hòa, hiện tại trung tâm đang tạo điều kiện ăn ở nội trú và dạy nghề cho hơn 60 học viên. Ngoài mộc mỹ nghệ, các em còn được tư vấn để chọn lựa các nghề khác như may công nghiệp, thêu ren, điện dân dụng, sửa chữa xe máy, cắt tóc trang điểm.

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm cho người tàn tật, cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức mô hình hoạt động tạo việc làm ngay tại trung tâm cho các nghề may, mộc mỹ nghệ và thêu ren. Ngoài ra, trung tâm còn tranh thủ liên hệ với các đơn vị, công ty để tìm kiếm đơn hàng cho học viên chưa tìm được việc làm, đồng thời nâng cao tay nghề cho các em”.

Năm 2021, trung tâm đã đào tạo 13 khóa với tổng cộng 243 lượt học viên. Tính đến tháng 10/2021, tổng doanh thu từ liên kết việc làm đạt trên 400 triệu đồng, đó cũng là thành quả mà mỗi học viên tham gia nỗ lực đạt được.

Đồng hành

Theo kết quả rà soát, năm 2021 trên địa bàn tỉnh có gần 29 nghìn NKT, trong đó NKT về vận động chiếm tỷ lệ hơn 40%, khuyết tật thần kinh, tâm thần chiếm tỷ lệ hơn 22%. Ông Phạm Bá Vương, Chủ tịch Hội NKT – Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi cho biết, trong hơn 15 nghìn NKT ở độ tuổi lao động thì chỉ có 23% NKT là có việc làm. Còn lại không đi làm do tình trạng khuyết tật ảnh hưởng đến sức khỏe, NKT vướng mắc về khả năng tự lập. Bởi thế, không chỉ vấn đề sinh kế, đời sống vật chất và tinh thần của NKT cũng rất cần được quan tâm kịp thời để đảm bảo chất lượng an sinh.

Năm 2021, Hội NKT – Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi đã phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ các huyện, thị xã và TP. Huế tổ chức trao, cấp 341 chiếc xe lăn đến NKT (tổng trị giá hơn 680 triệu đồng). Đây vừa là phương tiện di chuyển, vừa là phương tiện mưu sinh cho rất nhiều NKT vận động.

Để trợ giúp cải thiện sinh hoạt, hội đã bàn giao 4 căn nhà tình thương cho các hộ khó khăn tại TP. Huế và thị xã Hương Thủy. Ông Phạm Bá Vương thông tin: “Ngoài ra, 70 hộ gia đình có NKT và nuôi trẻ mồ côi đã và đang được Tỉnh hội hỗ trợ 250 triệu đồng là vốn vay luân chuyển không lãi. Tuy nguồn vốn không quá nhiều nhưng với cách cho vay linh động, không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, đây cũng là hoạt động ý nghĩa, kết hợp cùng nhiều phương thức khác để tạo “cần câu” sinh kế cho NKT”.

Dù dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến công tác vận động nguồn quỹ, song hoạt động chăm lo, bảo trợ NKT vẫn kịp thời, thiết thực và đa dạng phương pháp. Đây là nguồn động viên, khích lệ rất lớn để trong quá trình phát huy năng lực, vượt lên nghịch cảnh, NKT sẽ có thêm cơ hội vươn lên, từ đó tự tin đứng vững trên đôi chân của mình.

Bài, ảnh: MAI HUẾ