Ngày 20/5/2020, Thủ tướng đương nhiệm (lúc đó) Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất Quốc hội cân nhắc chưa tăng lương cơ sở đối với những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước để tập trung nguồn lực chống dịch và các mục tiêu cấp bách. Tính từ thời điểm đó đến nay đã là một năm rưỡi.

Và ngày 12/4 vừa rồi, Hội đồng tiền lương quốc gia đã nhóm họp thương lượng nâng lương tối thiểu vùng. Sau khi xem xét nhiều phương án, Hội đồng đã “chốt” đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% và thời điểm thực hiện là 1/7/2022.

Điều này có đạt được hay không phải đợi vài tháng nữa nhưng dù sao đây cũng là một tin vui đối với người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Khả năng Quốc hội sẽ thống nhất với đề xuất tăng lương tối thiểu là rất cao. Nói như thế bởi trong điều kiện bình thường, phải thực hiện lộ trình cải cách tiền lương. Từ tháng 5/2018 Trung ương Đảng đã có nghị quyết về cải cách tiền lương. Theo đó, Trung ương xác định: “Cải cách chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng, quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế-xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối kinh tế vĩ mô, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng”. Trung ương cũng xác định cải cách chính sách tiền lương là cuộc “cách mạng” thực sự trên lĩnh vực tiền lương. Nếu làm tốt sẽ phát huy cao độ nguồn lực con người - yếu tố có tính chất quyết định cho quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sau một năm rưỡi không được tăng lương và hai năm đối phó với dịch bệnh, thêm vào đó là sự tác động bởi biến động tăng của giá xăng dầu và nhiều yếu tố khác, đã làm “bào mòn” sức mua của đồng lương. Cũng chừng ấy tiền nhưng mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn nên người hưởng lương gặp không ít khó khăn. Để nâng cao đời sống của người dân nói chung và người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước nói riêng đòi hỏi phải tăng lương tối thiểu. Đây là một động thái vừa mang tính chính trị vừa mang tính kinh tế. Một khi lương của người làm công ăn lương tăng nó sẽ làm cho sức mua tăng lên, tức là kích bên cầu. Người có lương nhiều sẽ đem ra chi tiêu sẽ tác động đến sự phát triển của nền kinh tế.

Thời điểm này cũng là thời điểm thích hợp cho việc tăng lương. Hiện nay tình hình và điều kiện kinh tế đã khác so với một năm rưỡi trước đây. Dịch bệnh được kiểm soát tốt và gần như đã đạt được trạng thái “bình thường mới”. Biểu hiện rõ nhất là du lịch đã mở cửa hoàn toàn và phục hồi nhanh chóng. Các đường bay nội địa và quốc tế được nối lại. Chỉ tính riêng lượng khách nội địa quý I trong cả nước đã đạt hơn 26 triệu. Các chỉ số về tăng trưởng kinh tế cũng đạt được rất tốt. Năm ngoái, ngay trong tình hình dịch bệnh nhưng ngân sách Nhà nước bội thu 220.000 tỷ đồng; 2 tháng đầu năm 2022 ngân sách lại tiếp tục bội thu 95.600 tỷ đồng. Đây là điều kiện tài chính thuận lợi để Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương.

Một số yếu tố khác cũng quan trong thúc đẩy nhu cầu thực hiện tăng lương đó là: Chính phủ nào cũng mong muốn thể hiện sức mạnh của mình bằng nhiều cách, trong đó có việc chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Việc cải cách bộ máy hành chính còn nhiều việc phải làm nhưng những năm qua chúng ta cũng đạt được những kết quả nhất định, đó là bộ máy ngày càng tinh gọn hơn. Ví dụ như chính sách 2 người nghỉ hưu mới nhận được 1 người…

Với những yếu tố và điều kiện như nói trên, khả năng Quốc hội nhất trí thông qua việc tăng lương là điều hoàn toàn kỳ vọng.

NGUYÊN LÊ