Đại học Huế ký kết hợp tác với Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Mở rộng hợp tác

Mới đây, ĐH Huế tổ chức ký kết hợp tác 12 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các đơn vị, doanh nghiệp trên thuộc 3 nhóm lĩnh vực: công nghệ thông tin, điện - điện tử - tự động hóa, kỹ thuật xây dựng và dịch vụ. Những đơn vị hợp tác lần này có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, trong đó có Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)… PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế cho biết, thông qua các hợp tác sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả nước.

Hợp tác doanh nghiệp là một trong những định hướng mang tính chiến lược của ĐH Huế nhằm mang lại hiệu quả đào tạo và đầu ra việc làm. ĐH Huế và các trường hiện đang hợp tác với hàng trăm doanh nghiệp ở rất nhiều nội dung xuyên suốt từ đầu quá trình đào tạo: Xây dựng chương trình đào tạo, tham gia giảng dạy, thực hành, thực tế, thực tập, kiểm tra, đánh giá… ĐH Huế tăng cường các hoạt động đào tạo kết hợp với doanh nghiệp với thời gian từ 6 - 9 tháng để ra trường sinh viên được tuyển dụng sớm.

PGS.TS. Trần Hữu Tuấn, Hiệu trưởng Trường Du lịch - ĐH Huế cho biết, với đặc thù của ngành du lịch, nhà trường định hướng tỷ lệ thời lượng có sự tham gia của doanh nghiệp trong các học phần đào tạo trên 50%, tăng cường khâu thực hành, thực tập, tiếp cận nghề và môi trường doanh nghiệp cho sinh viên. Hiện, nhà trường kết nối hợp tác với hơn 30 doanh nghiệp trong cả nước và đang tiếp tục mở rộng số lượng với doanh nghiệp, phạm vi mở rộng ra hai đầu đất nước.

Theo PGS.TS. Trương Tấn Quân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế, hằng năm nhà trường tạo ra nhiều sự kiện làm cầu nối ba bên doanh nghiệp - nhà trường - sinh viên. Ngay mới đây (nửa đầu tháng 4/2022), trong ngày tốt nghiệp của sinh viên, nhà trường cũng đã kết nối và thu hút đến 31 doanh nghiệp để mang đến 854 vị trí việc làm cho sinh viên. Hơn cả mục đích tuyển dụng, các công ty, tập đoàn đã có nhiều hoạt động định hướng, tư vấn, chia sẻ cho sinh viên về văn hóa doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp, những kỹ năng cần có. Sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm cho nhiều hoạt động bị gián đoạn, nhà trường đang tái khởi động nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp, mở rộng các hợp tác, ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác với nhiều đơn vị, doanh nghiệp hơn.

Hợp tác sâu, hiệu quả

Sự khởi động trở lại về hợp tác doanh nghiệp sau đại dịch không chỉ duy trì hợp tác hay mở rộng số lượng đối tác mà trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, các nội dung hợp tác cũng được triển khai sâu nhằm mang đến hiệu quả tốt hơn.

Trên nền tảng những hợp tác lâu nay, các trường đẩy mạnh mời doanh nghiệp vào tham gia quá trình đào tạo, xây dựng chương trình, cử chuyên gia đến giảng dạy những học phần liên quan đến tổ chức doanh nghiệp, quản lý dự án, kỹ thuật sâu trong thực tiễn để sát với công việc của doanh nghiệp. Đồng thời, mời doanh nghiệp trực tiếp tham gia sát hạch chấm bảo vệ các đồ án, khóa luận tốt nghiệp sau học kỳ doanh nghiệp từ đó doanh nghiệp có thể đưa ra các quyết định tuyển dụng.

Theo TS. Nguyễn Quang Lịch, Phó Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế cho biết, các nội dung hợp tác cũng được trao đổi, thảo luận sâu hơn để doanh nghiệp cùng tham vào quá trình nghiên cứu thực hiện các đề tài dự án, trong đó có các dự án doanh nghiệp đặt hàng hoặc phối hợp thực hiện các dự án tiến đến thương mại hóa tốt hơn. “Có rất nhiều nội dung mà phía đơn vị đào tạo khó làm tốt nếu không có sự tham gia của doanh nghiệp. Hiện, chúng tôi đã ký kết, hợp tác với khoảng 30 doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước. Định hướng hợp tác của chúng tôi với các doanh nghiệp cũng dần tiến đến hợp tác sâu và toàn diện hơn”, TS. Lịch cho hay.

Ông Nguyễn Đức Nam Anh, Giám đốc Phòng giao dịch Nam Vỹ Dạ, Ngân hàng Quân đội chi nhánh Huế cho biết, không chỉ trong hợp tác tuyển dụng sinh viên, đơn vị còn phối hợp để tạo điều kiện cho sinh viên vừa học, vừa làm, bổ trợ những kiến thức thực tế, tuyển sinh viên làm cộng tác viên và hướng dẫn mở thẻ, app (ứng dụng), trải nghiệm toàn bộ quy trình, tiếp cận khách hàng... Nhờ giai đoạn tiếp cận nghề trước 4 - 6 tháng, sinh viên có lợi thế và hiểu biết về nghiệp vụ, lợi thế cho trả lời phỏng vấn và tiếp cận công việc sau này ở bất kỳ ngân hàng nào.

Đại diện các trường ĐH tại Huế cho hay, với đặc điểm nhiều sinh viên miền Trung - Tây Nguyên học rất giỏi, nhưng một số sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hợp tác doanh nghiệp cũng hướng đến sự hỗ trợ cho sinh viên ngay từ khi bước vào giảng đường ĐH để tiếp thêm động lực và qua đó cũng gắn bó với doanh nghiệp để tăng cơ hội việc làm. Ngoài ra, cũng hướng đến đào tạo theo đơn đặt hàng, gắn với các doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Hữu Phúc