Một số mặt hàng ở siêu thị tăng khoảng 10%

Sau đại dịch COVID-19, nhất là tác động của giá xăng dầu tăng cao đã kéo theo sự "đội giá" của các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm… khiến tiểu thương khó bán, người tiêu dùng cũng khó mua.

Tại các chợ Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự, Trường An, Tây Lộc... giá nhiều mặt hàng đều tăng. Một bó rau muống, rau cải, rau ngót đều tăng ít nhất từ vài nghìn đồng. Các loại thịt bò, thịt heo, tôm, cá cũng tăng khoảng 10 nghìn đồng/kg.

Chị Thúy, một tiểu thương ở chợ Trường An cho rằng, xăng dầu, gas đồng loạt lên giá đã kéo theo nhiều mặt hàng thực phẩm, rau xanh… tăng tương ứng.

Dạo một vòng 3 siêu thị lớn trên địa bàn TP. Huế, các siêu thị đều tăng giá một số mặt hàng từ mức thấp nhất 5-10%. Trong đó, mặt hàng dầu ăn tăng cao nhất với mức tăng từ 20-25%, tùy nhãn hiệu. Hiện các mặt hàng dầu ăn Simply, Neptuyn… đều niêm yết ở mức giá trên 70.000 đồng/lít, tăng “sốc” nhất phải kể đến dầu ăn gạo lứt Simply khi hiện đang niêm yết giá ở nhiều siêu thị với mức giá hơn 80.000 đồng/lít.

Chị Nguyễn Thị Nhi, một trong những người khi đang mua hàng ở Siêu thị Vincom plaza Huế nói: “Bình thường, em đi siêu thị 1 tuần/lần đủ cho cả nhà 4 người ăn trong 1 tuần, nhưng cuối tuần vừa rồi, do bận nên không đi được và cũng hơi bất ngờ khi giá các mặt hàng tăng cao”.

Giám đốc Siêu thị GO! Huế, bà Phạm Thị Thu Trang cho hay, hệ thống siêu thị GO! cũng đã đàm phán với các nhà cung ứng, cố gắng giảm mức giá thấp nhất có thể nhưng hiện thời, giá nhiên liệu đầu vào đều tăng, các nhà sản xuất cũng kêu khó khăn nên buộc phải chấp nhận tăng giá một số mặt hàng với mức tăng có thể chấp nhận được. Riêng GO! Huế đã kết nối với hàng chục nhà cung cấp các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo ổn định giá cả cho người tiêu dùng trong khả năng của mình nên chỉ tăng nhẹ một số mặt hàng từ đầu tháng 4/2022. Bù lại GO! Huế luôn có những chương trình khuyến mại để thu hút khách hàng, kích cầu tiêu dùng.

Theo bà Dương Thị Tuất, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Huế, khó có thể tránh được việc tăng giá các mặt hàng bởi xăng dầu là đầu vào của mọi lĩnh vực, chỉ là tăng ở mức chấp nhận được, để doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng “đỡ” nhau. Tuy nhiên, cũng có siêu thị hàng tồn nhiều nên đang sử dụng phương án “bình quân giá”, mua thêm hàng để hạ thấp nhất mức tăng, nhằm đưa ra giá tốt nhất cho người tiêu dùng khi đã chọn siêu thị là kênh mua sắm hàng ngày, hàng tuần.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thái Đông Anh (địa chỉ ở P. Phú Thượng, TP. Huế), một trong những doanh nghiệp cung cấp các mặt hàng thiết yếu lý giải: Giá xăng dầu tăng cao đã kéo theo các chi phí đầu vào tăng cao tới vài chục phần trăm, gây áp lực lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng giữ ổn định giá bán, ngoại trừ một số mặt hàng buộc phải tăng nhẹ trong bối cảnh hiện nay...

Được biết, theo Luật Giá, sữa là một mặt hàng phải bình ổn nhưng nhiều doanh nghiệp đã buộc phải thông báo điều chỉnh giá bán. Ví như, Công ty Vạn An (chuyên phân phối các loại sữa bột dặm cho trẻ em) đã thông báo tăng khoảng 7% với 22 mặt hàng; Vinamilk thông báo tăng giá 10 loại sản phẩm; Công ty Dinh dưỡng 3A (chuyên phân phối các loại sữa mang nhãn hiệu Abbott) cũng đã thông tin về việc tăng giá 4 sản phẩm…

Bài, ảnh: Bạch Quang