Những học viên đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Tư liệu

Hành trình kéo dài hơn 5 tháng, Hà Nội là điểm đầu tiên, điểm cuối là huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Cùng đi với cụ có ông Tôn Quang Phiệt, Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội và một số cán bộ, thư ký, bảo vệ… Cụ đi đến đâu cũng được Nhân dân và cán bộ lãnh đạo địa phương đón tiếp, hướng dẫn và tổ chức mít tinh rầm rộ để chào mừng và nghe cụ nói chuyện… Có nhiều nơi, sau khi cụ ca ngợi vai trò và khả năng điều hành đất nước của Hồ Chủ tịch, cụ kêu gọi đồng bào đoàn kết sau lưng Chính phủ và Hồ Chủ tịch để tiến hành kháng chiến đánh thực dân Pháp xâm lược. Ở Quảng Bình, cụ hô hào: “Phải đánh! Đánh cho đến khi nào chúng gục ngã”, rồi cụ giơ cao nắm tay và hô to “Quyết chiến! Quyết chiến!”.

Ở Huế, sau khi nói chuyện với cán bộ và Nhân dân địa phương, cụ còn đến thăm nhà riêng cụ Hoàng Đức Trạch, Chủ tịch Hội Liên Việt tỉnh Thừa Thiên – một người từng cộng tác nhiều năm ở Báo Tiếng Dân, cùng được bầu vào Viện Dân biểu Trung Kỳ và cùng từ chức một lúc với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây, cụ Huỳnh cũng không quên ca ngợi Hồ Chủ tịch.

Cuối tháng 11/1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng về đến quê nhà Quảng Nam. Cụ đi thăm nhiều nơi trong tỉnh và nói chuyện với nhiều người.

Cuối tháng 3/1947, cụ Huỳnh nhận được điện khẩn của đồng chí Phạm Văn Đồng mời cụ vào Quảng Ngãi. Vào đến nơi, cụ Huỳnh được bố trí ở tại nhà ông Nguyễn Tương, thôn Phú Bình, xã Hành Phong, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ông Tương là một đảng viên cộng sản từ năm 1931. Bên cạnh nhà cụ ở là cơ quan Hội Liên Việt và cơ quan Ủy ban Hành chính miền Nam Trung Bộ - nơi làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng và Nguyễn Duy Trinh.

Cụ Huỳnh dạo này sức khỏe giảm sút và yếu dần. Cụ phải nằm dưỡng bệnh nhiều ngày. Sáng ngày 19/4/1947, cụ trở dậy và cho gọi người thư ký riêng của mình đến rồi đọc cho người thư ký ghi bức thư gửi Hồ Chủ tịch: “Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả. Chỉ tiếc không gặp được Cụ lần cuối cùng. Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân trên đường vinh quang hạnh phúc! Chào vĩnh biệt”.

Ngày 21/4/1947, cụ Huỳnh Thúc Kháng qua đời tại nhà ông Nguyễn Tương, thôn Phú Bình, xã Hành Phong, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Chính quyền và Nhân dân địa phương đã tổ chức tang lễ long trọng và đưa linh cửu cụ lên an táng trên đỉnh núi Thiên Ấn – nơi đây là đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi. Đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ đọc lời điếu, có đoạn: “Thưa cụ, trăng trên trời có khi tròn, khi khuyết, vạn vật trong vũ trụ hết thịnh lại suy, người đời há sống mãi không già, già mãi không khuất. Cho nên hôm nay chúng tôi đến đây, một đàn con chí hiếu để tiễn biệt lần cuối cùng, ông cha già chí thân tượng trưng cho một dân tộc”.

Rất thương tiếc và đau buồn, từ căn cứ địa Việt Bắc, Hồ Chủ tịch đã viết thư gửi đồng bào cả nước, bức thư ngắn gọn, rất xúc động về con người và sự nghiệp của cụ Huỳnh Thúc Kháng, thông báo Chính phủ đã quyết định lễ quốc tang, kêu gọi “Đồng bào Việt Nam quyết theo gương kiên quyết của cụ. Tinh thần kháng chiến của cụ Huỳnh Thúc Kháng”.

Hồ Chủ tịch đau đớn và có bài thơ điếu cụ Huỳnh bằng chữ Hán và Người tự dịch ra Quốc ngữ:

Than ôi!

Bể Đà Nẵng triều thảm

Đèo Hải Vân mây sầu

Tháng tư tin buồn đến

Huỳnh Bộ trưởng đi đâu?

Trông vào Bộ Nội vụ

Tài đức tiếc thương nhau

Đồng bào ba chục triệu

Đau đớn lệ rơi châu!

Một ngày cuối năm 2020, tôi vào thôn 1, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước – xưa là làng Thạch Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam kính cẩn viếng anh linh cụ Huỳnh. Địa cuộc nơi đây có núi Tôn Lãnh, nay gọi Sơn Ve, dưới có sông Lư Hà quen gọi là Lò Thung – “cửa khẩu” của phong mạch phù trợ, bất chợt nhớ câu:

“Thạch Bình dải đất hồn thiêng

Lò Thung, Tôn Lãnh tiếng rày còn ghi”.

Thì ra, hơn 400 năm trước họ Huỳnh của Cụ đã đến đây định cư.

Dương Phước Thu

(Nguồn tư liệu tham khảo tại nhà lưu niệm cụ Huỳnh)